Thúc đẩy việc sử dụng nguồn dược liệu bền vững trong ngành y học cổ truyền và TPCN

Mới đây, tọa đàm trực tuyến thúc đẩy việc sử dụng nguồn dược liệu bền vững trong ngành y học cổ truyền và thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam đã được diễn ra.
Cần thúc đẩy việc sử dụng nguồn dược liệu bền vững trong ngành y học cổ truyền và thực phẩm chức năng. Ảnh: Internet
Cần thúc đẩy việc sử dụng nguồn dược liệu bền vững trong ngành y học cổ truyền và thực phẩm chức năng. Ảnh: Internet

Toạ đàm trực tuyến được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Khoa học Các sản phẩm Thiên nhiên Việt Nam (VNPS), Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) và TRAFFIC.

Toạ đàm diễn ra với mục tiêu xây dựng nguồn dược liệu bền vững và hợp pháp cho ngành thuốc và TPCN, xóa bỏ việc sử dụng sừng tê giác cũng như những sản phẩm khác từ động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) bất hợp pháp vì mục đích sức khỏe. Hội thảo được tài trợ bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Đức (WWF Đức).

Từ xa xưa, sản phẩm từ động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) đã được sử dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đang tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nhiều loài hoang dã trên toàn thế giới.

Theo thống kê, năm 2015, trung bình mỗi ngày có ba cá thể tê giác bị giết lấy sừng, phần lớn trong số đó được vận chuyển và tiêu thụ tại Đông Á và Đông Nam Á. Theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), kể từ năm 1977, mọi hoạt động buôn bán sừng tê giác đều là bất hợp pháp trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chính phủ vẫn chưa ban hành lệnh cấm tiêu thụ hay sử dụng sừng tê giác làm thuốc một cách rõ ràng.

Trước thực trạng đó, bà Nguyễn Tuyết Trinh - Giám đốc Văn phòng Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho rằng, thuốc và TPCN là những ngành có thể tạo ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của người tiêu dùng. Vai trò của các doanh nghiệp dược phẩm và TPCN không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu những sản phẩm thuốc được nghiên cứu và kiểm chứng công dụng rõ ràng, mà còn phải cảnh báo người tiêu dùng về tác dụng thổi phồng của những sản phẩm thuốc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, bất hợp pháp.

“Vậy nên, các doanh nghiệp dược phẩm và TPCN cần khẩn trương áp dụng các quy định về bảo vệ ĐTVHD như một phần trong chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để đảm bảo bất kỳ sản phẩm ĐTVHD nào họ đang khai thác không triệt đi nguồn cung hay đe dọa sự sinh tồn của các loài trong tự nhiên. Nhấn mạnh việc các thầy thuốc y học cổ truyền nên kê đơn, sử dụng các dược liệu bền vững, có khả năng truy xuất nguồn gốc thay vì các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐTVHD bất hợp pháp, như sừng tê giác.” – Bà Tuyết Trinh nhấn mạnh.

Tại toạ đàm, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Viện trưởng, Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp nhận thức được tác động của họ đối với tất cả các khía cạnh của xã hội, bao gồm cả kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới các tiêu chuẩn xanh của sản phẩm".

Bà Thuỷ cũng hy vọng 100 đại biểu từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp tư nhân và giới truyền thông có mặt tại buổi toạ đàm trực tuyến lần này có thể trở thành những đại sứ trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán ĐTVHD trong các ngành liên quan, hướng tới sự phát triển bền vững và cộng hưởng giữa môi trường và kinh tế.

Tại toạ đàm, các doanh nghiệp đã được khuyến khích triển khai những hoạt động cụ thể, như đưa ra tuyên bố khẳng định thái độ không khoan nhượng đối với tội phạm liên quan đến ĐTVHD hay trưng bày các sản phẩm truyền thông tại nơi làm việc, nhằm thay đổi hành vi của xã hội về việc sử dụng các sản phẩm bất hợp pháp này.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và TRAFFIC, tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục tiêu đảm bảo buôn bán ĐTVHD không là mối đe dọa đối với bảo tồn thiên nhiên, kêu gọi ngành thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam tích cực hành động nhằm bảo vệ các loài ĐTVHD.

Có thể bạn quan tâm