Khoáng sản oxit đất hiếm đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra năng lượng sạch, sản xuất xe điện và điện tử tiêu dùng. Nhưng thị trường này hiện bị chi phối bởi Trung Quốc, quốc gia chiếm 60% sản lượng toàn cầu, theo Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ.
Mới đây nhất, công ty khai thác mỏ LKAB của Thụy Điển đã xác định được hơn một triệu tấn oxit đất hiếm ở khu vực Kiruna, nằm ở cực bắc của đất nước.
Ông Jan Moström, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành LKAB cho biết: “Đây là một tin tốt, không chỉ đối với LKAB, khu vực và người dân Thụy Điển, mà còn đối với châu Âu và khí hậu toàn cầu”.
Không có mỏ nguyên tố oxit đất hiếm nào hiện đang được khai thác ở châu Âu, khiến khu vực phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Liên minh châu Âu nhận 98% khoáng sản từ Trung Quốc, theo ghi nhận từ Ủy ban châu Âu. Nhưng nhu cầu dự kiến sẽ tăng mạnh do điện khí hóa, điều này sẽ dẫn đến tình trạng “cung không đủ cầu” trên toàn thế giới vào thời điểm căng thẳng địa chính trị leo thang.
Bộ trưởng Năng lượng, Kinh doanh và Công nghiệp của Thụy Điển Ebba Busch, cho biết: “Điện khí hóa, khả năng tự cung tự cấp và sự độc lập của Liên minh Châu Âu khỏi Nga và Trung Quốc sẽ bắt đầu tại mỏ khai thác oxit đất hiếm mới được phát hiện này. Cần có sự củng cố chuỗi giá trị công nghiệp ở châu Âu và tạo ra những cơ hội thực sự để điện khí hóa toàn xã hội“.
Tuy nhiên, sẽ mất khá nhiều thời gian về giấy phép để công ty LKAB có thể bắt tay thực hiện công việc. Công ty giải thích: “Nếu xem xét các quy trình cấp phép trước đây trong ngành thì có thể thấy sẽ mất ít nhất 10-15 năm trước khi chúng tôi thực sự có thể bắt đầu khai thác và cung cấp nguyên liệu thô cho thị trường”.
Do tầm quan trọng của nó trong ngành công nghệ, oxit đất hiếm cũng đã trở thành một trong những “mặt trận chính” trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.
Hoa Kỳ, từ lâu đã phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu nhiều loại khoáng sản, đang tìm cách tăng cường chuỗi cung ứng trong nước. Vào năm 2021, chính quyền TT Joe Biden đã đặt sự tập trung vào oxit đất hiếm, trong số các ưu tiên khác, để giảm bớt khả năng dễ bị tổn thương của ngành trước căng thẳng địa chính trị.