Thủy sản Nhật Bản “hết cửa” vào Trung Quốc

Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, chỉ vài giờ sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Người biểu tình phản đối kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện Fukushima-Daiichi ra biển
Người biểu tình phản đối kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện Fukushima-Daiichi ra biển

Trong một thông báo mới được công bố bởi Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này sẽ đình chỉ nhập khẩu tất cả các sản phẩm thuỷ sản từ Nhật Bản nhằm ngăn chặn toàn diện nguy cơ ô nhiễm phóng xạ trong thực phẩm nhập khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu cá lớn nhất của Nhật Bản, mang về hơn 71 tỷ yên (khoảng 490 triệu USD) doanh thu cá và 53,56 tỷ yên doanh thu cua và sò điệp chỉ tính riêng trong năm 2022.

Động thái này mở rộng lệnh cấm nhập khẩu trước đó từ các khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima. Vào đầu tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này có kế hoạch xả khoảng 1,3 triệu tấn nước thải đã qua xử lý từ Fukushima.

Việc xả thải bắt đầu sau 1 giờ chiều Toyko (24/8), theo báo cáo phương tiện truyền thông trích dẫn công ty điện lực nhà nước TEPCO.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trước đó cho biết họ sẽ cử một nhóm giám sát và đánh giá việc Nhật Bản áp dụng tất cả các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Nhóm đại diện IAEA có mặt ở hiện trường trong suốt quá trình để đảm bảo việc xả nước đã qua xử lý ALPS ra biển theo sát với cam kết giữa Nhật Bản và Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi.

IAEA từng tuyên bố vào đầu tháng 7 rằng các kế hoạch của Tokyo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và sẽ có tác động không đáng kể đối với con người và môi trường.

ALPS là Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến tại Fukushima, loại bỏ chất phóng xạ khỏi nước thải trước khi xả ra ngoài biển.

Nguyên tố phóng xạ duy nhất không thể dễ dàng loại bỏ khỏi nước là tritium, và người phát ngôn của Đại sứ quán Nhật Bản tại Anh cho biết nước thải đã được lọc qua ALPS cho đến khi nồng độ các chất phóng xạ khác ngoài tritium thấp hơn tiêu chuẩn quy định và sau đó được pha loãng thêm trước khi thải ra ngoài.

Phản ứng lại với những đông thái này của Nhật Bản, Trung Quốc bày tỏ sự tức giận và cáo buộc Tokyo cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm khi thúc đẩy việc xả thải. “ Đại dương phải được coi là lợi ích chung cho nhân loại, không phải là cống thoát nước ô nhiễm hạt nhân của Nhật Bản”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân chỉ trích.

Hồng Kông cũng công bố hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản, trong đó Giám đốc điều hành thành phố John Lee cho biết ông phản đối mạnh mẽ việc xả nước thải.

Về phần mình, nước láng giềng Hàn Quốc cho biết họ tôn trọng báo cáo của IAEA và phân tích của chính họ cho thấy việc thả sẽ không có bất kỳ tác động lớn nào đối với vùng biển của mình, mặc dù Hàn Quốc nói thêm trong một tuyên bố rằng họ không đồng ý hay ủng hộ kế hoạch xả nước bị ô nhiễm.

Có thể bạn quan tâm