Trung Quốc không còn là ưu tiên đầu tư hàng đầu trong mắt các doanh nghiệp Mỹ

Trung Quốc đang dần mất đi sức hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vì các tác động của chính sách Zero Covid và căng thẳng địa chính trị…
Trung Quốc không còn là ưu tiên đầu tư hàng đầu trong mắt các doanh nghiệp Mỹ

Lần đầu tiên sau 25 năm, Trung Quốc không còn nằm trong top 3 ưu tiên đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Mỹ. Hai trong số những nguyên nhân được nhắc tới nhiều nhất là căng thẳng địa chính trị và các vấn đề địa phương khiến các doanh nghiệp thất vọng và muốn tìm kiếm các giải pháp thay thế khác. 

Michael Hart, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (ACCC) cho biết: “Một năm trước, 60% công ty cho biết Trung Quốc là ưu tiên đầu tư hàng đầu hoặc top 3 của họ, nhưng năm nay con số này giảm xuống còn 45%. Tất nhiên, Trung Quốc vẫn có vị thế quan trọng, nhưng không còn là một trong những điểm đến hàng đầu của phần lớn giới kinh doanh Mỹ.”

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi ACCC cho thấy, gần một nửa số công ty Mỹ ở Trung Quốc không có kế hoạch đầu tư mới, trong khi 9% khác đang xem xét cắt giảm đầu tư. Phần lớn các công ty hài lòng với việc giữ nguyên sự hiện diện của họ trên thị trường và không tìm cách tách rời. Nhưng 12% số người được hỏi cho biết họ đã chuyển chuỗi cung ứng của mình sang nơi khác và 12% khác đang cân nhắc làm điều tương tự.

Những con số đó gần như gấp đôi mức được thấy trong một năm trước. Tốc độ thay đổi này có thể tiếp tục tăng nhanh, với một nhà cung cấp quan trọng của Apple bày tỏ ý muốn chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn dự đoán của nhiều nhà quan sát. Đối với các công ty đang cân nhắc chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc, các nước đang phát triển ở châu Á và Mỹ là những điểm đến hàng đầu, tiếp theo là các quốc gia phát triển ở châu Á, Mexico và Canada.

“Hiện tại, hầu hết các công ty đang tìm cách giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng của họ bằng cách đầu tư vào nơi khác”, ông Michael Hart lưu ý và nói thêm rằng điều này diễn ra một cách gấp rút hơn từ sau đợt phong tỏa ở Thượng Hải (trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của Trung Quốc) trong nhiều tháng khiến toàn bộ các nhà máy ở trong và xung quanh khu vực phải đóng cửa. 

ưu tiên đầu tư
Đầu tư vào Trung Quốc sụt giảm trong năm 2022.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng các công ty Mỹ ở Trung Quốc đã trở nên bi quan hơn nhiều trong năm qua, với hơn một nửa nói rằng họ không có lãi vào năm 2022. Hơn 20% dự báo thua lỗ, đây sẽ là kết quả tồi tệ nhất kể từ ít nhất 2019, với 2/3 đổ lỗi cho việc lockdown lặp đi lặp lại và các hạn chế khác của chính sách Zero Covid.

Trong một tuyên bố được đưa ra gần đây, chính phủ Trung Quốc đã cho biết việc thu hút các doanh nghiệp quốc tế ở lại và thu hút đối tác mới sẽ là trọng tâm trong năm nay.

Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư mới vào Trung Quốc hiện là khá mỏng, ông Michael Hart nhận xét. Ông ước tính thông thường phải mất 2 đến 3 năm để một công ty thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, trong ba năm qua khi hầu hết người nước ngoài không thể đến Trung Quốc, thì chu kỳ nêu trên khó còn có thể khả thi. 

“Chúng tôi dự đoán sẽ có một số nhà lãnh đạo toàn cầu đến thăm Trung Quốc vào mùa xuân này, một động thái có thể giúp khởi động lại chu kỳ thực hiện đầu tư. Nhưng trước khi bắt đầu, các công ty sẽ cần tới nhiều thời gian hơn nữa để có thể đi đến quyết định cuối cùng”, ông Michael Hart đưa ra ý kiến. 

Khoảng 46% công ty trong cuộc khảo sát của ACCC dự đoán rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục xấu đi vào năm 2023, tăng từ 24% trong cuộc khảo sát năm trước. Những người được hỏi cho biết căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là thách thức kinh doanh lớn nhất đối với các công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu và phát triển do xung đột liên tục về chất bán dẫn.

Ngay cả khi loại bỏ căng thẳng quốc tế sang một bên, thì triển vọng của các công ty đối với thị trường Trung Quốc cũng tiêu cực hơn so với những năm trước, với một phần ba số người được hỏi bi quan về thị trường địa phương và triển vọng phục hồi kinh tế.

Kể từ khi cuộc khảo sát của ACCC được thực hiện vào cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ chính sách Zero Covid, giúp cải thiện triển vọng cho cả doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc. Các bộ phận của nền kinh tế dường như đang phục hồi, mặc dù thị trường nhà ở vẫn còn yếu và nhu cầu xuất khẩu đang giảm, đánh bật hai trụ cột tăng trưởng trong những năm trước.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…