Cuối năm 2022 tại Bắc Kinh, các quan chức công nghệ, thương mại và quốc phòng của Trung Quốc đã được triệu tập đến một loạt cuộc họp bí mật với một mục đích duy nhất: Phản ứng với những kiểm soát cứng rắn của Mỹ trong việc bán chip máy tính cho các công ty Trung Quốc.
Tháng 7/2023, Bắc Kinh chính thức đáp trả: Họ áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu gali và gecmani, những kim loại được sử dụng để sản xuất một số sản phẩm quan trọng chiến lược, bao gồm xe điện, vi mạch và một số hệ thống vũ khí quân sự.
“Chúng tôi còn có nhiều lựa chọn” một quan chức chính quyền Trung Quốc cho biết. “Đây không phải là động thái cực đoan nhất của chúng tôi... đó chỉ là một biện pháp ngăn chặn.
Đòn đáp trả này, trên thực tế không chỉ tác động đến Mỹ, nó giống như một cú sốc với cả thế giới. Đầu tiên, nó cho thấy Trung Quốc kiểm soát chuỗi cung ứng đối với hàng chục loại khoáng sản được Mỹ (cũng như nhiều quốc gia châu Âu) phân loại là quan trọng đối với kinh tế và an ninh quốc gia. Nó cũng cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng sử dụng điều này như một đòn bẩy địa chính trị.
Matthew Funaiole, một chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một viện nghiên cứu chính sách của Hoa Kỳ, nói rằng động thái này là một “phát súng cảnh báo” đối với Washington. Vì “Chỉ những người trong giới kỹ thuật và ngành công nghiệp quốc phòng mới hiểu hết được tầm quan trọng của gallium, gecmani như thế nào".
Lệnh hạn chế của Trung Quốc đã ngay lập tức cho thấy một sự thật không dễ chịu với phương Tây: Trung Quốc cho đến nay là nhà cung cấp lớn nhất và và rẻ nhất cho nhiều khối xây dựng chính cho công nghệ sạch. Hai kim loại này nằm trong số các sản phẩm quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng. Và Trung Quốc là người nắm quyền kiểm soát phân phối.
Trung Quốc đóng vai trò sản xuất khoảng 90% nguyên tố đất hiếm, khoảng 80% tất cả các công đoạn chế tạo tấm pin mặt trời và 60% tua-bin gió và pin ô tô điện của thế giới. Trong một số vật liệu được sử dụng trong pin và nhiều sản phẩm khác, thị phần của Trung Quốc là gần 100%.
Việc Trung Quốc dồn vào chuỗi cung ứng công nghệ sạch đã tạo ra sự so sánh với mức độ ảnh hưởng cao mà Ả Rập Xê Út có được trên thị trường dầu mỏ. Giống như việc sản xuất hóa dầu cung cấp một vùng đệm chiến lược cố định cho quốc gia vùng Vịnh, sự thống trị của Trung Quốc đối với các lĩnh vực năng lượng sạch này đang làm gia tăng cạnh tranh địa chính trị và có khả năng làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu của thế giới.
ÔNG VUA KHÔNG NGAI!
Sự trỗi dậy không ngừng của các công ty công nghệ sạch Trung Quốc đặt ra mối đe dọa cạnh tranh lớn đối với các ngành sản xuất phương Tây, bao gồm các nhà sản xuất ô tô lâu đời và những gã khổng lồ năng lượng. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh về công nghệ với phương Tây ngày càng tồi tệ, đó có thể trở thành một đòn bẩy cho Trung Quốc.
Ross Gregory, đối tác của công ty tư vấn New Electric Partners có trụ sở tại Seoul, cho biết: “Thế giới bắt đầu nhận ra rằng việc kiểm soát chuỗi cung ứng là quan trọng đến thế nào. Và các quốc gia sẽ phải đối mặt với chuyện gì nếu Trung Quốc cắt nguồn cung”.
Các chính phủ phương Tây hiện đang cố gắng hết sức để bắt kịp sự vươn lên của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghiệp năng lượng tái tạo và khoáng sản quan trọng của thế giới. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và những người đồng cấp của ông ở châu Âu đã bắt đầu triển khai hàng trăm tỷ đô la trợ cấp vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lại có những nhận định khác nhau về việc phương Tây sẽ mất bao lâu để thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng công nghệ sạch - hoặc họ có thể đạt được mục tiêu ấy hay không.
Hầu hết đều tin rằng châu Âu sẽ không thể đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về biến đổi khí hậu nếu không duy trì mối quan hệ thật sâu sắc với Bắc Kinh. Ngay cả Hoa Kỳ - vốn tự hào với hầu bao rủng rỉnh hơn và sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ hơn để tách khỏi Trung Quốc - cũng sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khổng lồ trong việc tạo ra một chuỗi cung ứng công nghệ sạch mới "không" Trung Quốc.
Neil Beveridge, một nhà phân tích tại Hồng Kông, người đứng đầu nghiên cứu năng lượng của Bernstein, cho biết: “Phải có một "biến cố thật lớn" mới có thể giúp Mỹ xây dựng các ngành công nghiệp này để có thể cạnh tranh. “Thực tế là Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới.”
"VÒNG KIM CÔ" CỦA TRUNG QUỐC
Ở khu công nghiệp rộng lớn của mỏ Oyu Tolgoi của Rio Tinto ở phía nam sa mạc Gobi của Mông Cổ, rất nhiều xe tải chờ được chất lên những bao tải nặng hai tấn đồng chưa tinh chế trước khi thực hiện hành trình 80 km về phía nam tới biên giới Trung Quốc.
Trong vài năm tới, đây sẽ trở thành mỏ đồng lớn thứ tư thế giới, một kim loại quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Cũng như nhiều dự án khai thác khác trên thế giới, mọi thứ được đào lên ở đây sẽ được gửi đến Trung Quốc để xử lý.
Trong khi nhiều chính phủ phương Tây đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Jakob Stausholm, giám đốc điều hành của Rio Tinto, chỉ ra rằng một phần thành công của tập đoàn Anh-Úc trong những thập kỷ gần đây là nhờ nhu cầu từ Trung Quốc. “Chúng tôi hợp tác tốt với khách hàng Trung Quốc vì họ - giống như chúng tôi, chung mục tiêu lâu dài,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại Oyu Tolgoi vào tháng 7/2023.
Nikhil Bhandari, đồng trưởng nhóm nghiên cứu công nghệ sạch và tài nguyên thiên nhiên châu Á-Thái Bình Dương của Goldman, cho biết sự kiểm soát của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô “là phần chìm của tảng băng nổi”. Điều này là nhờ các khoản đầu tư cổ phần vào các hoạt động khai thác ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc như tập đoàn kim loại Huayou Cobalt, nhà sản xuất ô tô BYD và gã khổng lồ pin CATL.
Ví dụ, trong lĩnh vực lithium, Trung Quốc chỉ kiểm soát một phần nhỏ trong hoạt động khai thác, nhưng theo dự báo đến năm 2024, Trung Quốc sẽ kiểm soát nhiều tài nguyên hơn mức nước này cần cho các mục đích trong nước. Và không có dấu hiệu nào cho thấy việc tăng khả năng kiểm soát các nguồn tài nguyên này có thể bị ngăn chặn.
Các khoản đầu tư vào lĩnh khai thác và kim loại ở nước ngoài của Trung Quốc đang trên đà đạt mức kỷ lục trong năm nay, theo dữ liệu được công bố vào đầu tháng 8/2023 bởi Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải. Chi tiêu trong sáu tháng đầu năm 2023 đạt 10 tỷ USD, nhiều hơn tổng chi tiêu vào năm 2022 và các khoản đầu tư trong năm nay có khả năng vượt qua kỷ lục hàng năm trước đó là 17 tỷ USD vào năm 2018.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, với những khâu của năng lượng sạch, đặc biệt là chế biến và tinh chế nguyên liệu, phương Tây phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong việc cạnh tranh với Trung Quốc.
Trong nhiều thập kỷ, các nền kinh tế phát triển đã tránh xa các loại hoạt động công nghiệp này, bằng lòng với việc đẩy những hoạt động gây ảnh hưởng tới môi trường qua các nước đang phát triển, nơi chi phí cũng sẽ thấp hơn.
Theo một phân tích của Bộ Nội vụ Hoa Kỳ và Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu của ít nhất một giai đoạn trong chuỗi cung ứng cho 35 trong số 54 mặt hàng khoáng sản được coi là quan trọng đối với Hoa Kỳ.
Trong một số lĩnh vực, vị trí của Trung Quốc chính xác là "vua không ngai". Theo CSIS, Trung Quốc sản xuất “đáng kinh ngạc” tới 98% nguồn cung cấp gali thô trên thế giới. Và gali được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực quân sự Mỹ, bao gồm cả trong các hệ thống radar và phòng thủ tên lửa thế hệ tiếp theo.
Trong pin xe điện, tỷ lệ nguyên liệu thô mà Trung Quốc kiểm soát thấp hơn 20% nhưng lại nắm giữ 90% thị phần cho các nguyên liệu đã tinh chế của cùng loại vật liệu đó, theo Goldman Sachs.
Việc sản xuất than chì, được sử dụng trong cực dương của pin lithium-ion. Theo Goldman, trong khi thị phần dự trữ than chì của Trung Quốc chỉ chiếm hơn 20% thì thị phần chế biến than chì của nước này là gần 70%. Cách rẻ nhất để sản xuất than chì là sử dụng axit flohydric, một vật liệu có độc tính cao gây rủi ro đáng kể cho môi trường và đây cũng là một sản phẩm khác mà Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất.
Đặc biệt, trong một số ngành công nghệ sạch quan trọng khác, trước đây vẫn là niềm tự hào của các doanh nghiệp phương Tây như tua-bin gió, Trung Quốc hiện cũng đã xác lập một vị thế không kém cạnh.
Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), một nhóm vận động hành lang trong ngành, hơn một nửa số tua-bin gió mới được lắp đặt trong năm nay sẽ ở Trung Quốc. Trong lĩnh vực sản xuất vỏ bọc chứa thiết bị phát điện của tuabin, Trung Quốc cũng hiện chiếm 60% thị phần. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang xây dựng hơn 60 cơ sở lắp ráp vỏ bọc mới, bổ sung vào 100 cơ sở đã hoạt động.
Xa hơn nữa trong chuỗi cung ứng tuabin, dữ liệu của GWEC cho thấy Trung Quốc có hơn 70% thị phần của nhiều thành phần quan trọng bao gồm các kết cấu đúc, trục xoay, tháp và các chi tiết khác.
Lance Guo, một chuyên gia về chính trị và kinh tế Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết trong nhiều thập kỷ qua, thế giới đã rất ngạc nhiên trước mức độ thành công của hệ thống Trung Quốc trong việc tập trung nguồn lực để tập trung vào các dự án lớn của quốc gia. Ông nói: “Thế giới đã không thể theo kịp Trung Quốc về mặt này”.
Ilaria Mazzocco, một chuyên gia về chính sách công nghiệp của Trung Quốc tại CSIS, cho biết sự tăng trưởng trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ sạch đã từ trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, nhưng sự tập trung vào chính sách công nghiệp, các ngành chiến lược và biến đổi khí hậu vẫn được “tăng cường” dưới sự quản lý của ông.
Bà cũng chỉ ra sự khác biệt đáng kể giữa cách các ngành này phát triển so với phương Tây: “Trung Quốc có kế hoạch bài bản và chiến lược toàn diện trong việc thúc đẩy sự phát triển của "toàn bộ chuỗi cung ứng"".
CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC
Khi Jorge Guajardo đến Bắc Kinh năm 2007 với tư cách là đại sứ mới của Mexico, một trong những công việc chính của ông là thuyết phục các công ty Trung Quốc thành lập nhà máy ở Mexico.
Nhưng nhiệm vụ ấy cũng không dễ dàng, cuộc gặp với BYD, một nhà sản xuất pin ít được biết đến cung cấp cho điện thoại Nokia và Motorola, đã chứng minh điều đó. Nhà sáng lập Wang Chuanfu của BYD, người vừa mua lại một doanh nghiệp ô tô thuộc sở hữu nhà nước đang thất bại, đã cắt ngắn cuộc thảo luận về các quy tắc thương mại của Mỹ.
“Pin chiếm khoảng 50% [giá thành] chiếc xe và tôi sẽ không bao giờ sản xuất pin bên ngoài Trung Quốc,” Guajardo nhớ lại những gì Wang nói. “Đó là năm 2007, sự từ chối này thật khó hiểu” Guajardo nói.
Khi đề cập đến câu chuyện khi đó, Guajardo, hiện đang làm việc tại Washington DC, nhấn mạnh rằng sự từ chối của ông chủ BYD Wang “Hoàn toàn hợp lý. Ông ta có một tầm nhìn thật đáng kinh ngạc... ông ấy chỉ nghĩ đến "năng lượng".
Ngày nay BYD, với sự hỗ trợ bởi Warren Buffett's Berkshire Hathaway, được các chuyên gia trong ngành coi là một thách thức đối với các ngành công nghiệp ô tô "kiểu cũ" của Đức, Pháp, Mỹ và Nhật Bản. Trong nửa đầu năm 2023, công ty đã bán được 1,15 triệu xe ở Trung Quốc, tương đương hơn một phần ba tổng doanh số bán xe hybrid và xe chạy pin, theo dữ liệu từ Automobility, một công ty tư vấn ở Thượng Hải. BYD cũng là nhà sản xuất pin lớn thứ hai thế giới, một phần của mô hình kinh doanh tích hợp theo chiều dọc khiến Tesla và VW phải ghen tị.
Cùng với ông vua pin xe điện của thế giới, CATL, công ty của Wang cũng là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về sự kết hợp khéo léo của khu vực tư nhân với chính sách công nghiệp của Bắc Kinh nhằm tạo ra các vị trí thống trị trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện.
CSIS, cơ quan cố vấn của Mỹ, ước tính tổng chi tiêu nhà nước của Bắc Kinh cho lĩnh vực xe điện là hơn 125 tỷ USD từ năm 2009 đến năm 2021.
Ngay từ 2009 ngành công nghiệp pin trong nước của Trung Quốc đã được yêu cầu đáp ứng các yêu cầu khắt khe cùng với những khoản đầu tư về tài chính và chính sách. Thêm vào đó, từ 2016, các nhà sản xuất pin hàng đầu của Hàn Quốc, LG, SK và Samsung, bị mất đi sự hỗ trợ từ chính phủ Hàn Quốc. Chính những yếu tố "thiên thời địa lợi" này đã tạo ra sự bùng nổ trong sản xuất pin của CATL và BYD.
Những lợi thế mà Trung Quốc hiện nay tự hào khi sản xuất các sản phẩm công nghệ sạch được củng cố bởi lợi ích kinh tế nhờ quy mô lớn.
Dữ liệu của Goldman cho thấy Trung Quốc có thể xây dựng một nhà máy EV với thời gian chỉ bằng 1/3 so với các quốc gia khác, và chi phí đầu tư rẻ hơn tới... 80% nếu so sánh một nhà máy được xây dựng tại Trung Quốc và Mỹ. Bernstein cho biết chi phí sản xuất ở Mỹ có thể cao gấp ba lần so với ở Trung Quốc.
Những yếu tố này cho thấy các đối thủ của Trung Quốc sẽ phải vật lộn như thế nào với không chỉ khả năng tiếp cận hạn chế với các nguồn tài nguyên và chi phí công nghệ ban đầu, mà còn cả tình trạng thiếu lao động, lạm phát tiền lương và các tiêu chuẩn môi trường cao hơn.
Tương tự trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và gió. IEA cho biết, được thúc đẩy bởi nhu cầu lớn trong nước, việc sản xuất polysilicon và quy trình xử lý polysilicon của Trung Quốc dẫn đến chi phí chỉ bằng 2/3 giá sản phẩm do châu Âu sản xuất. Theo dữ liệu của S&P, tua-bin gió của Trung Quốc có giá chỉ bằng một nửa so với các đối thủ phương Tây.
Trong các ngành này, Ilaria Mazzocco nói rằng điều quan trọng là phải ghi nhận vai trò cạnh tranh gay gắt của khu vực tư nhân. “Đó là điều chúng tôi bỏ lỡ: Chúng tôi nghĩ họ có lợi thế đó nhờ các khoản trợ cấp từ Nhà nước. Nhưng trên thực tế, những mức giá kinh ngạc ấy có được là do họ đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh của chính họ ở Trung Quốc trong một môi trường cực kỳ khốc liệt” cô nói. “Họ là những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất trong việc vắt kiệt từng xu chi ra để đầu tư”.
ĐỐI ĐẦU HAY HỢP TÁC?
Khi ngành công nghệ sạch của Trung Quốc mở rộng, các nhà phân tích liên tưởng đến việc thép, xi măng và nhôm giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường quốc tế trong nhiều năm. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã dẫn đến những giai đoạn căng thẳng song phương và những tranh chấp khiến WTO đau đầu.
Theo Rystad Energy, một công ty tư vấn, khoảng 7 tỷ euro các tấm pin mặt trời của Trung Quốc hiện đang nằm trong các nhà kho ở châu Âu do cung vượt cầu. Kho dự trữ gần như đủ để cung cấp điện cho tất cả các hộ gia đình ở London và Paris cộng lại trong một năm.
Tuy nhiên, còn có nỗi sợ hãi còn ám ảnh hơn: Sự phụ thuộc quá mức vào một Trung Quốc dường như ngày càng sẵn sàng đem những lợi thế của mình ra làm vũ khí kinh tế, giống như điều họ đã làm đối với gali.
Tuy nhiên, Gore tại NUS cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh cần phải cẩn thận trong việc vũ khí hóa sự thống trị công nghệ sạch của mình vì Trung Quốc vẫn phụ thuộc sâu sắc vào phương Tây đối với nhiều sản phẩm công nghệ cao. “Chơi dao lắm cũng sẽ có ngày đứt tay” ông cảnh báo.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, phương Tây sẽ phải đối mặt với 2 sự lựa chọn: "tách" TQ để đảm bảo an ninh quốc gia hoặc "gắn bó" để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế và khí hậu. Giữa hai lựa chọn: Bảo vệ nền công nghiệp quốc gia hoặc gây hấn với một "ông kẹ", bạn sẽ chọn gì?