Trung Quốc soạn luật cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc

Trong một dấu hiệu cho thấy quyết tâm giải quyết các tranh chấp thương mại với Mỹ, Trung Quốc đang xem xét giới thiệu luật cấm các chính quyền địa phương bắt buộc các công ty nước ngoài phải chuyển gi
Trung Quốc soạn luật cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc

Công nhân làm việc ở dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy của công ty liên doanh sản xuất ô tô Dongfeng Peugeot-Citroën Automobile, TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Gett

Đối xử công bằng với các nhà đầu tư nước ngoài

Hãng tin Tân Hoa xã cho biết hôm 23-12, Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc bắt đầu thẩm tra dự thảo luật đầu tư nước ngoài mới với trọng tâm là mang đến “sự đối xử công bằng cũng như tạo ra một môi trường đầu tư ổn định, minh bạch, dễ dự báo" cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tân Hoa xã nhấn mạnh: “Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi này nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài đồng thời bảo đảm các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng sự đối xử công bằng, giúp củng cố niềm tin của họ ở thị trường Trung Quốc”.

Dự luật chỉ rõ các quan chức địa phương không được đặt vấn đề chuyển giao công nghệ như là một điều kiện để các công ty nước ngoài liên doanh với đối tác Trung Quốc.

Theo tờ Thời báo chứng khoán (Trung Quốc), dự luật cấm các chính quyền địa phương áp dụng các chính sách và thực hành vi phạm “quyền và lợi ích hợp pháp” của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc dựng lên các hàng rào bất hợp pháp ngăn chặn sự tiếp cận hoặc rút khỏi thị trường.

Tờ Nhân dân nhật báo đưa tin, phát biểu với các đại biểu quốc hội hôm 23-12, Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc Phó Chánh Hoa nói Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ của các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích chuyển giao công nghệ tự nguyện và sẽ cấm sử dụng các biện pháp hành chính ép buộc.

Dự luật cũng đề xuất thông qua một danh sách các lĩnh vực kinh doanh bị cấm tham gia đối với đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tham gia đầu tư ở các lĩnh vực nằm ngoài danh sách này và được hưởng các chính sách ưu đãi giống như các công ty Trung Quốc.

Chính quyền Donald Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc đã hạn chế tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài và đưa ra các chính sách ưu ái các công ty trong nước.

Theo dự luật, chính phủ Trung Quốc vẫn được quyền truất hữu tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài trong các trường hợp đặc biệt song điều này phải được thực hiện qua các quy trình pháp lý và phải bao gồm chính sách bồi thường hợp lý và công bằng.

Trong một diễn biến khác cho thấy Trung Quốc đang thực hiện cam kết mở cửa thị trường trong nước. Hôm 24-12, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo cắt giảm thuế cho 706 sản phẩm nhập khẩu, bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm 2019. Pin lithium-ion cho xe điện, máy in, các thiết bị chẩn đoán y tế, các loại thức ăn chăn nuôi thay thế cho bã đậu nành, phân bón, quặng sắt, bột gỗ... nằm trong danh sách các mặt hàng được giảm thuế.

Trung Quốc muốn giải quyết các phàn nàn của Mỹ

Dự thảo được giới phân tích nhìn nhận như một động thái nhằm giải quyết các phàn nàn của Mỹ và các nước khác về cách mà Trung Quốc đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài muốn làm ăn tại nước này. Các phàn nàn cộng với mức thâm hụt thặng dư thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc đã dẫn đến cuộc chiến áp thuế giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, khiến các thị trường toàn cầu chao đảo trong năm qua.

Từ lâu, các công ty nước ngoài than vãn rằng họ bị bắt buộc phải hoạt động ở thị trường Trung Quốc thông qua các liên doanh với đối tác Trung Quốc trong nhiều ngành kinh doanh, do đó, buộc phải chuyển giao công nghệ giá trị cho các đối tác Trung Quốc. Sau đó, các đối tác này sẽ cạnh tranh với công ty nước ngoài thông qua công ty mẹ.

Trong báo cáo về các thực hành thương mại và đầu tư của Trung Quốc hồi đầu năm nay, cơ quan đại diện thương mại Mỹ cũng nêu ra các phàn nàn tương tự và viện dẫn một điều luật của Mỹ vào năm 1974 để cho rằng việc hợp tác công nghệ phải được quyết định thông qua đàm phán, chứ không thể dùng quyền lực hành chính để bắt buộc chuyển giao.

Các nhà phân tích nước ngoài lưu ý rằng Trung Quốc thường sử dụng các biện pháp không chính thức để thúc ép các tập đoàn nước ngoài, chẳng hạn từ chối cấp các giấy phép hành chính cho họ trừ khi họ đồng ý đưa vào các điều khoản chấp nhận chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận thành lập công ty liên doanh.

Scott Kennedy, Giám đốc dự án về nền kinh tế chính trị và kinh doanh Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) ở Washington, viết trên Twitter: “Trung Quốc cần làm nhiều hơn chứ không chỉ đơn giản là thay đổi các quy định. Nước này cần cấm và xử phạt các đe dọa, đòi hỏi không chính thức cũng như chính sách công nghiệp mang nặng tính kiểm soát và chỉ đạo để giảm tình trạng cưỡng ép chuyển giao công nghệ bắt buộc”.

Shu Yujing, đối tác ở hãng luật K&L Gates (Mỹ) cho biết các công ty nước ngoài đã chờ đợi quá lâu cho một đạo luật bảo vệ quyền lợi của họ tốt hơn nhưng vẫn chưa rõ sẽ mất bao lâu để dự luật đầu tư nước ngoài nói trên được thông qua và thực hiện. Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc thường tiến hành nhiều vòng thảo luận trước khi đưa một dự luật ra phiên họp toàn thể của quốc hội để bỏ phiếu.

Theo Chánh Tài/Thời báo Kinh tế Sài Gòn

>> Trung Quốc giảm thuế 700 mặt hàng nhập khẩu để "mở cửa thị trường"

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…