Lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc tăng tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 3, đạt mức 1,188 nghìn tỷ USD, cao nhất từ tháng 10 năm ngoái - hãng tin Reuters dẫn số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 15/5 cho biết.
Trong khi đó, lượng mua trái phiếu kho bạc Mỹ của nước ngoài nói chung giảm xuống.
Việc Trung Quốc tiếp tục mua trái phiếu Mỹ giúp xoa dịu những lo ngại trước đó về việc Bắc Kinh có thể cắt giảm nắm giữ tài sản này để trả đũa chính quyền Tổng thống Donald Trump trong vấn đề thương mại.
Trong khi Trung Quốc mua vào, Nhật Bản bán ra trái phiếu kho bạc Mỹ trong tháng 3. Lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Tokyo giảm còn 1,044 nghìn tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011.
Giới phân tích cho rằng việc đồng USD giảm giá trong tháng 3, xuống mức thấp nhất trong 16 tháng so với đồng Yên, đã khiến giới đầu tư Nhật Bản kém mặn mà với những tài sản định giá bằng USD.
Kể từ mức đỉnh nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ vào tháng 11/2014, Nhật Bản đến nay đã bán ròng 198 tỷ USD.
Lượng trái phiếu kho bạc Mỹ giữ ở Ireland đã tăng trong tháng 3, lên mức 317 tỷ USD, sau cú giảm kỷ lục 13,5 tỷ USD trong tháng 2.
Đợt giảm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ cất giữ ở Ireland trong tháng 2 làm dấy lên những đồn đoán về việc các công ty đa quốc gia của Mỹ có thể đã chuyển một phần tiền về nước sau khi Washington bắt đầu triển khai chương trình cải tổ thuế quy mô lớn vào tháng 12 năm ngoái.
Ireland vốn là một trung tâm lớn của thế giới về quản lý tài sản, đồng thời cũng là một trung tâm tại châu Âu của các công ty công nghệ và dược phẩm của Mỹ.
Tính chung, nước ngoài đã bán ròng 4,92 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, so với mức mua ròng 43,19 tỷ USD trong tháng 2. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 23,05 tỷ USD, mức bán mạnh nhất kể từ tháng 12/2006, trong khi các ngân hàng trung ương nước ngoài mua ròng 18,39 tỷ USD.
Trước đó, hồi tháng 2, các ngân hàng trung ương nước ngoài mua ròng 19,06 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ.
Tháng 3 chứng kiến giới đầu tư nước ngoài bán tháo chứng khoán Mỹ, với mức bán ròng 24,15 tỷ USD, mạnh nhất kể từ tháng 9/2015. Chỉ số S&P 500 giảm 2,7% trong tháng 3, đưa quý 1 trở thành quý giảm đầu tiên của chứng khoán Mỹ kể từ quý 3/2015, do những lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại, lãi suất tăng và giá cổ phiếu công nghệ đã tăng quá cao.