Từ ngày 25/10 đến ngày 30/10/2019, USS Gerald R. Ford (CVN 78) đã thực hiện các thử nghiệm cơ động cường độ cao trên Đại Tây Dương, trước khi quay trở lại căn cứ hải quân Norfolk.
Bộ Tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ cho biết: Văn phòng điều hành chương trình (PEO) hàng không mẫu hạm công bố đã hoàn thành kế hoạch Sẵn sàng hoạt động sau thử nghiệm và Khả năng sẵn sàng sau sửa chữa và thay đổi (PSA / SRA) cho tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN 78). Sau khi tàu sân bay này trở về quân cảng thường trú tại căn cứ Hải quân Norfolk, Virginia.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN 78) trên Đại Tây Dương. Video Defence Blog
Post-Shakedown Availability (PSA) là hoạt động được thực hiện để sửa chữa những thiếu sót tìm thấy trong hành trình vận hành, hoặc thực hiện những cải tiến được nhà đầu tư (Hải quân Mỹ) yêu cầu.
Selected Restricted Availability (SRA) - Khả năng sẵn sàng đưa vào khai thác sử dụng - được Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ lên kế hoạch sau khi nhà chế tạo hoàn thành sửa chữa và thực hiện những thay đổi cần thiết.
Việc hoàn thành PSA là mốc quan trọng đối với tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Đây là tàu đầu tiên trong lớp tàu sân bay thế hệ tiếp theo, sẽ phục vụ trong Hải quân Mỹ 50 năm tới. Với vai trò là thành phần trung tâm của hệ thống sức mạnh quân sự Mỹ.
Đô đốc James Downey, Giám đốc Văn phòng Chương trình điều hành (PEO) hàng không mẫu hạm nhận xét: Đây là tàu sân bay hoàn toàn mới so với những chiến hạm trước đây, quá trình đưa hạm tàu này vào phục vụ hạm đội phản ánh năng lực kỹ thuật tuyệt vời, tính chuyên nghiệp và sự kiên trì của đội ngũ cán bộ chính phủ / các nhà quản lý và kỹ sư của ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Mỹ.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford là phương tiện chiến đấu với công nghệ tiên tiến nhất, khả năng hủy diệt mạnh nhất trên thế giới. Tất cả mọi người, từ quan chức cao cấp nhất của chính phủ đến đội ngũ nhân viên làm việc trên các boong tàu, đều tập trung cao độ vào việc hoàn thiện để Gerald R. Ford sẵn sàng tham gia phục vụ trong hạm đội.
PSA là giai đoạn phát triển điển hình trong những ngày đầu tiên trong vòng đời của chiến hạm, khi Hải quân và công ty đóng tàu cùng phối hơp giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian đầu hoạt động trên biển, thực hiện thay đổi và nâng cấp cần thiết phù hợp với yêu cầu khai thác.
PSA của CVN 78 bắt đầu từ ngày 15.07.2018, các bên đã thực hiện hoàn thiện Thang máy vận chuyển vũ khí tiên tiến (AWEs), sửa chữa hộp số chính của tàu, cải tiến hệ thống điều khiển công suất động cơ, nâng cấp hệ thống thiết bị bắt hãm máy bay tiên tiến và nhiều công việc bảo trì, bảo dưỡng khác.
Trong PSA, hầu hết những vấn đề cá biệt, gọi là “thẻ dùng thử”, phát hiện và xác định trong quá trình làm việc sẽ được giải quyết thành công. Số ít những “thẻ dùng thử” cá biệt còn để lại sẽ được giải quyết trong quá trình bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ trong tương lai.
Là chiến hạm thế hệ tiếp theo đầu tiên, những sự cố cá biệt, xuất hiện trong khai thác sử dụng CVN 78 không có gì bất ngờ. Hải quân Mỹ thu thập những các bài học kinh nghiệm từ CVN 78 để hoàn thiện thiết kế, tăng cường công tác giám sát quá trình đóng các chiến hạm tương tự trong tương lai.
Giám đốc Chương trình phát triển USS Gerald R. Ford - thuyền trưởng hạng nhất Ron Rutan - nhấn mạnh, những tiến bộ khoa học công nghệ thường có những vấn đề độc đáo.
Thuyền trưởng hạng nhất Rutan bình luận: “Giải quyết những vấn đề cá biệt trong thiết kế và chế tạo một phương tiện chiến đấu hàng đầu không chỉ khiến tàu sân bay CVN 78 trở nên tốt hơn. Mà còn trở thành cơ sở công nghệ căn bản để đóng những tàu sân bay tiếp theo của lớp tàu này - USS John F. Kennedy (CVN 79) và USS Enterprise (CVN 80). Các chiến hạm lớp Gerald R. Ford sẽ thiết lập tiêu chuẩn mới về hiệu suất hoạt động và năng lực tác chiến cho các chiến hạm trong nửa sau của thế kỷ 21.
Trong một kỷ nguyên mới, tàu USS Gerald R. Ford sẽ là phương tiện chiến đấu lớn nhất, có khả năng cơ động nhanh, linh hoạt và sức mạnh hủy diệt lớn nhất trên thế giới. Lớp tàu này được ứng dụng 23 công nghệ mới. Trong đó có những công nghệ tiên tiến vượt thời gian về hệ thống động cơ, trạm nguồn hạt nhân, hệ thống phân phối vũ khí trang bị và hệ thống phóng máy bay...
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN 78). Ảnh Defence Blog
Những đổi mới này sẽ giúp tăng tỷ lệ phóng máy bay cao hơn 30%, nhưng giảm 20% quân số thủy thủ đoàn, chi phí khai thác sử dụng đáng kể. So sánh với các tàu sân bay lớp Nimitz, hàng không mẫu hạm lớp Gerald R. Ford giảm được khoảng 17% chi phí hỗ trợ khai thác sử dụng, tương đương khoảng 4 tỷ USD cho mỗi tàu trong suốt vòng đời phục vụ.
Thuyền trưởng hạng nhất Rutan đánh giá: “Đây là thiết kế tàu sân bay mới đầu tiên trong hơn 40 năm qua. Chiến hạm này là một thao trường thử nghiệm những công nghệ chiến trường cần thiết cho khả năng duy trì quyền thống trị trên không trong thế kỷ 21. Cần sự kiên nhẫn rất lớn và sự nỗ lực cao độ để Hải quân có được một chiến hạm có khả năng hoạt động nhanh chóng, linh hoạt và khả năng phục hồi năng lực tác chiến cần thiết nhanh chóng trong 50 năm, sẵn sàng đối mặt với những mối đe dọa mới xuất hiện trên đại dương".