Đã qua rồi thời hoàng kim ở nơi “ngọn cờ” của phong trào “giấc mơ ô tô Việt – Vinaxuki”. Nay nhà máy chỉ còn khoảng 10 công nhân xử lý nốt một số công việc của những chiếc xe cuối cùng.
- Vinaxuki: Thoi thóp “giấc mơ ô tô Việt”
- Doanh nghiệp nhập ôtô căng biểu ngữ trước cổng Bộ xin bỏ Thông tư 20
- Đại hạ giá ôtô, giảm sốc 100 triệu đồng
“Ngọn cờ” bị gãy cộtMột ngày nắng như đổ lửa giữa tháng 7, Lê Thanh Toàn (Tam Dương, Vĩnh Phúc) ngồi một mình trong quán nước chè vắng khách trước cửa Nhà máy ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Quán nước chè này Toàn thuê đất rồi dựng tạm lên bằng tôn mạ từ tháng 4.2015 để “sinh nhai” sau khi nghỉ không lương ở nhà máy Vinaxuki.Nói chuyện với PV, Toàn kể, ngay khi nhà máy bắt đầu xây dựng năm 2004, anh đã gia nhập “đội quân” Vinaxuki để xây dựng “giấc mơ ô tô Việt”.Ban đầu, Toàn làm ở bộ phận lắp ráp, sau đó không lâu chuyển sang làm trưởng bộ phận bảo hành. “Ở thời điểm cực thịnh, tôi đi bảo hành cho khách suốt. Khắp các tỉnh đều có dấu chân. Có những khi tôi đi cả tháng trời, về công ty vài tiếng rồi lại đi ngay”, Toàn kể. Lúc ấy, bộ phận bảo hành có khoảng 20 nhân sự, làm không hết việc, lương cao. Toàn được ban lãnh đạo tin tưởng, tập huấn bên Trung Quốc cũng được cử đi cùng lãnh đạo.Ở thời kỳ “đỉnh cao”, những năm 2007-2009, lượng xuất xưởng của Vinaxuki trung bình 50-60 xe mỗi ngày, có thời điểm lên tới 100 xe. Đến năm 2011, lượng tiêu thụ xe tải (dòng xe chính của Vinaxuki) vào Top đầu thị trường. Xe lắp đến đâu, bán hết đến đấy. Thậm chí, các đại lý còn cử người về trọ ngay trong xã Tiền Phong chỉ để trực chờ xe xuất xưởng là lấy ngay. Nhưng đến năm 2012, công ty thiếu hụt vốn lưu động, vay ngân hàng không được vì các ngân hàng cho rằng việc Vinaxuki đầu tư vào nội địa hóa là “mạo hiểm”.
Ông Bùi Ngọc Huyên bên chiếc xe cả đời “đau đáu”
Do không có vốn sản xuất, từ năm 2013-2014, công việc của Toàn cũng như hàng nghìn công nhân ở đây ít dần rồi thưa hẳn. Đến tháng 4.2015, Toàn chủ động xin nghỉ không lương. Không chỉ Toàn, hơn 1.000 công nhân cũng không có việc làm.“Lúc tôi xin nghỉ, bác Huyên (Tổng giám đốc Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên - PV) cũng không muốn cho nghỉ đâu nhưng tình hình công ty khó khăn, tôi xin ra ngoài để tự làm ăn, khi nào công ty ổn định tôi lại về. Ngay cả anh Kiên (Phó tổng giám đốc Bùi Ngọc Kiên - PV) cũng không muốn vì anh em rất gắn bó”, Toàn ngậm ngùi nhớ lại và cho biết, khi đó, rất nhiều máy móc của nhà máy bị mang bán phế liệu để duy trì cuộc sống cho công nhân.
|
Nhà máy khó khăn, hơn một năm nay, Toàn bán trà đá, cà phê kiếm sống qua ngày. Một thợ bảo hành lực lưỡng, ra Bắc vào Nam giờ ngồi một chỗ làm bạn với con gà chọi và mấy lồng chim. Toàn cho hay, một số công ty trong xã và khu công nghiệp bên cạnh mời Toàn về làm nhưng anh từ chối. “Những anh em khác bị thúc ép bởi cuộc sống gia đình, chăm lo cho vợ con, tôi đã xin việc giúp. Tôi đi đâu cũng tìm được việc nhưng tôi vẫn muốn đợi nhà máy hoạt động trở lại rồi làm. Khó khăn là khó khăn chung không phải chỉ mình tôi”, Toàn tha thiết.Sự đổ vỡ của Vinaxuki khiến người dân địa phương hụt hẫngĐây là tâm sự rất thật của Phó chủ tịch xã Tiền Phong Nguyễn Văn Gối. Ông Gối cho biết, dù không đóng góp trực tiếp vào ngân sách xã nhưng những năm qua, lãnh đạo nhà máy đã hỗ trợ công tác an sinh xã hội địa phương các dịp như ngày 27.7, lễ, Tết...“Khi có nhà máy thì cảnh quan, bộ mặt của địa phương được nâng lên. Người dân cũng được bổ túc về công nghệ...”, ông Gối nói và cho biết thêm, bên cạnh đó, đời sống người dân trong xã cũng khá lên nhờ cho thuê nhà trọ, bán hàng ăn... Nhưng nay, khu chợ của xã vốn dài hàng trăm mét dồn lại chỉ còn một góc. Hàng loạt nhà trọ đóng cửa, quán xá không có người mua. Ông Phạm Văn Nhật, trú gần nhà máy, giơ bàn tay nhẫy mỡ đang chuẩn bị món lòng dồi lợn bán hàng ăn trưa ra bắt tay PV.Ông Nhật kể, năm 2004, ông xây 4 phòng trọ cho công nhân của Vinaxuki thuê với giá 300 nghìn đồng/phòng. Giá hợp lý, tính ông lại cởi mở nên phòng lúc nào cũng kín. Nhưng từ cuối năm 2014, nhà máy nợ lương, công nhân bỏ đi nơi khác tìm việc. Cả 4 phòng trọ nhà ông theo đó đều đóng cửa, không có người thuê. “Có người tôi còn nợ tiền thuê trọ chưa trả”, ông Nhật nói.Bên trong Nhà máy Vinaxuki vắng tanh, nắng chiếu oi ả khiến toàn bộ khoảng sân trống trơn vốn trước kia xếp kín xe chờ xuất xưởng, cũng không còn cảnh công nhân nhộn nhịp tan tầm - càng thêm hoang hoải. Quanh nhà máy cỏ đã mọc um tùm. Phía cổng phụ, mấy chiếc xe thu gom phế liệu han gỉ dựa vào hàng rào sắt cũng han gỉ.PV liên hệ với ông Bùi Ngọc Huyên với mong muốn chia sẻ câu chuyện Vinaxuki, ông Huyên không nghe điện thoại. Sau đó rất lâu, ông Huyên chỉ nhắn tin hẹn một dịp khác.Ông Lại Văn Hoạt, bảo vệ tại nhà máy hơn 4 năm nay bảo, ông Huyên lâu rồi không tiếp xúc với ai. “Ông ấy ở một mình. Căn nhà nằm ngay trong khuôn viên của nhà máy. Ông ấy là người tâm huyết.Chuyện nhà máy khiến ông ấy rất buồn và hầu như không đi ra ngoài. Cơm nước thì đến giờ nhà bếp mang lên. Tôi muốn mang giấy tờ nhận được vào cũng phải gọi điện xin phép trước mới gặp được”, ông Hoạt kể. Cũng theo ông Hoạt, hiện nay nhà máy chỉ còn khoảng 10 công nhân xử lý nốt một số công việc của những chiếc xe cuối cùng.Bản thân ông Huyên đã từng thừa nhận với báo chí sự thất bại của Vinaxuki là do không vay được vốn từ các ngân hàng ngay cả khi có sự chỉ đạo của Chính phủ theo chính sách ưu đãi cho ngành Ô tô. Chính sách vốn cùng với chính sách thuế thực hiện không sát chủ trương, theo ông Huyên là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của ngành Công nghiệp ô tô.Đến giờ cơm trưa, hai công nhân bê mâm cơm lên ăn cùng bác bảo vệ. Thức ăn gồm một đĩa măng chua xào, một đĩa rau luộc và một đĩa chả thịt lợn mua ngoài chợ. “Trước đây, nhà máy bao ăn công nhân ngày bốn bữa: Sáng, trưa, tối và đêm. Đồ ăn cũng nhiều. Nhưng nay khó khăn chỉ còn một bữa trưa thế này thôi”, ông bảo vệ già của Vinaxuki nói.
|
Theo Báo Giao thông