Các cuộc đàm phán về việc Vương Quốc Anh trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã kết thúc sau hai năm mặc cả về hạn ngạch và thuế quan.
Được chính thức công bố vào đầu giờ sáng thứ Sáu, việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được coi là thành tựu thương mại lớn nhất của Vương quốc Anh kể từ khi rời EU vào tháng 1 năm 2020.
Các thành viên ban đầu của CPTPP là Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore, Brunei, Chile, Malaysia, Peru và Việt Nam. Theo đó, Vương quốc Anh sẽ là quốc gia đầu tiên tại châu Âu tham gia CPTPP kể từ khi nó thành lập vào năm 2018. Sunak cho biết thỏa thuận thương mại này sẽ mang lại lợi ích kinh tế và cũng thúc đẩy chính sách đối ngoại của Anh nghiêng về “châu Á-Thái Bình Dương” của ông.
Lợi ích địa chính trị lớn
Trước đó, Anh đã có các thỏa thuận thương mại tự do với 9 trong số 11 thành viên của CPTPP. Đồng thời, các nghiên cứu của chính phủ Anh cho biết tư cách thành viên CPTPP sẽ không bù đắp cho sự sụt giảm thương mại thời hậu Brexit với nước láng giềng gần nhất là EU. Chính phủ ước tính hiệp định CPTPP sẽ chỉ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội của Vương quốc Anh thêm 0,08% trong dài hạn.
Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức chính phủ cho rằng lợi ích ngoại giao của Vương quốc Anh có thể vượt xa lợi ích kinh tế khi gia nhập khối thương mại Thái Bình Dương.
Minako Morita-Jaeger, một nhà nghiên cứu chính sách tại Đài quan sát chính sách thương mại Vương quốc Anh, cho biết việc gia nhập của Anh là một "lợi ích chiến lược địa chính trị lớn với lợi ích kinh tế nhỏ".
Thật vậy, động thái này có thể được coi là mảnh ghép mới nhất trong bức tranh đối ngoại thế kỷ 21 của Anh, như được nêu trong Đánh giá tích hợp năm 2021 của chính phủ, cùng với bản làm mới vào tháng 3 năm 2023, nhấn mạnh rằng trọng tâm của thế giới đang dịch chuyển về phía Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bà Morita-Jaeger nói: “CPTPP có thể cho phép Vương quốc Anh tăng cường quan hệ chiến lược với các quốc gia có cùng chí hướng để bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Việc gia nhập CPTPP thể hiện tầm nhìn dài hạn của Vương quốc Anh trong việc tăng cường quan hệ với các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tăng cường cho vị thế chính trị và thương mại thời hậu Brexit.
Theo đó, sự can dự mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ trở thành trụ cột trong chính sách quốc tế của Vương quốc Anh.
Sự thay đổi trọng tâm đã dẫn đến việc Vương quốc Anh trở thành một phần của hai quan hệ đối tác quốc phòng lớn với các đồng minh Thái Bình Dương AUKUS, một liên minh an ninh hạt nhân ba bên với Hoa Kỳ và Úc, cũng như Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu nhằm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu với Nhật Bản và Ý.
Cùng với đó, Anh và Pháp đã đồng ý phối hợp triển khai các tàu sân bay ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tăng cường sự hiện diện trên biển của châu Âu trong khu vực.
Ngoài ra, Vương quốc Anh đã đảm bảo vị thế “đối tác đối thoại” với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 cường quốc; tham gia một nhóm do Mỹ lãnh đạo thúc đẩy quan hệ kinh tế với các quốc đảo Thái Bình Dương; và thành lập một chi nhánh mới của cơ quan tài chính phát triển British International Investment.
Thách thức sức ảnh hưởng của Trung Quốc
Cùng với đó, Trung Quốc đã nộp xin đơn gia nhập CPTPP.
Các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ thường sẽ dẫn đến các liên minh địa chiến lược mạnh mẽ hơn. Do vậy, mục đích lớn hơn của việc Anh gia nhập Hiệp định là tăng cường ảnh hưởng của Anh và phương Tây trong một khu vực chịu sự chi phối mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, giảm sự phụ thuộc của các quốc gia này vào Trung Quốc, đối tác thương mại và là nhà đầu tư lớn của khu vực.
Đồng thời, điều này tạo cơ hội trực tiếp hơn cho chính Vương quốc Anh để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là trong các khoáng sản quan trọng. Việc củng cố mối quan hệ với các quốc gia như Chile và Việt Nam, những quốc gia có quyền tiếp cận với kim loại đất hiếm là điều cần thiết cho khả năng phục hồi và an ninh của Vương quốc Anh.
Về lâu dài, Vương quốc Anh có thể sẽ giúp định hình sự mở rộng của hiệp ước, với sự tham gia tiềm năng của các quốc gia như Colombia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan.
Anh sẽ có cơ hội duy nhất trong số các nước phương Tây có khả năng này, với tư cách là quốc gia châu Âu duy nhất trong khối cũng như việc không có sự tham gia của các quốc gia Thái Bình Dương khác như Mỹ.
George Magnus, một nhà kinh tế và cộng sự tại Đại học Oxford cho biết: “Anh sẽ ở trong một bảng địa lý mà Mỹ và Trung Quốc vắng mặt, cùng với đó, những nước khác như Pháp không thể tham gia nó với tư cách là các quốc gia độc lập".
Ông Magnus gợi ý rằng tư cách thành viên sẽ mang lại cho Vương quốc Anh cả “vị trí đặc quyền” và một vai trò như một “người trung gian hữu ích”.
Rộng hơn, CPTPP cũng đang nổi lên như một tia sáng trong ngoại giao thương mại sau những bế tắc lâu dài tại Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ông nói: “CPTPP là một hiệp định thương mại quan trọng ở một khu vực trọng yếu trên thế giới… Họ [Vương quốc Anh] có thể cố gắng gây ảnh hưởng không chỉ đến hướng của các tiêu chuẩn và giao thức trong thương mại quốc tế, mà còn sử dụng nó như một nền tảng để cố gắng tìm kiếm ảnh hưởng chính trị lớn hơn ở khu vực quan trọng này của thế giới, nơi chuỗi cung ứng toàn cầu luôn thay đổi".