Trong một nghiên cứu được công bố bởi hãng phân tích tài chính TradingPedia, Amazon chính thức đăng quang ngôi vị thương hiệu có giá trị nhất thế giới vào năm 2023, với giá trị ước tính là 299,28 tỷ USD.
“Gã khổng lồ” thương mại điện tử Mỹ đã vượt qua người chiến thắng của năm ngoái là Apple để chiếm ngôi vị đầu bảng.
So với năm 2022, Apple đã mất 16% giá trị xuống còn 297,51 tỷ USD.
Google đứng thứ ba, tăng giá trị gần 18 tỷ USD kể từ năm ngoái để chạm mốc 231,38 tỷ USD.
Cho đến nay, Mỹ là quốc gia có nhiều đại diện nhất trong Top 20 của bảng xếp hạng, chiếm một nửa số công ty được liệt kê với tổng giá trị khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, gồm cả Microsoft (191,57 tỷ USD), Walmart (113,78 tỷ USD), Verizon (67,44 tỷ USD) và Tesla (66,21 tỷ USD).
Doanh nghiệp có giá trị nhất thế giới bên ngoài nước Mỹ là Samsung của Hàn Quốc, đứng ở vị trí thứ sáu với 99,66 tỷ USD.
Châu Âu chỉ giữ 2 vị trí trong Top 20, với cả hai công ty đều đến từ Đức: Deutsche Telekom trị giá 62,93 tỷ USD xếp ở vị trí thứ 11 và hãng xe hạng sang Mercedez-Benz đứng thứ 16 với 58,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất chấp sự hiện diện còn có phần hạn chế trong Top 20, nhưng các quốc gia và công ty Châu Âu vẫn đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu rộng lớn hơn của TradingPedia. Trong đó, chỉ có 30 trong số 195 quốc gia có ít nhất một thương hiệu nằm trong danh sách Top 500 toàn cầu và gần một nửa trong số đó (14) là ở châu Âu.
Theo TradingPedia, không có nhiều quốc gia có khả năng tạo ra các thương hiệu lớn ở bất kỳ quy mô nào. Theo phát hiện của công ty, chỉ khoảng 20 quốc gia có hơn 3 thương hiệu nằm trong Top 500, bao gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh, Ả Rập Saudi, Ấn Độ, Pháp, Canada, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Nga, UAE, Úc, Thụy Sĩ, Singapore, Brazil và Hà Lan.
Mỹ và Trung Quốc rõ ràng là những quốc gia dẫn đầu trên trường thế giới, lần lượt chiếm 202 và 79 trong số 500 thương hiệu hàng đầu. Khi nhìn vào Top 100, hơn một nửa, 53, đến từ Mỹ và 22 đến từ Trung Quốc.
Đức có 7 thương hiệu lọt vào Top 100, tiếp theo là Nhật Bản với 6, Hàn Quốc với 4 và Anh Quốc với 3.
Khi nhìn vào toàn bộ các ngành, ngân hàng là lĩnh vực chiếm ưu thế khi xem xét số lượng thương hiệu, theo TradingPedia. Khoảng 14,2% tổng số thương hiệu trong Top 500 là các công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng, trong khi 10% là trong lĩnh vực bán lẻ.
Tuy nhiên, khi nhìn vào giá trị tổng thể, lĩnh vực công nghệ và bán lẻ tiếp tục đứng đầu, với các thương hiệu công nghệ chiếm khoảng 13,4% tổng giá trị của 500 công ty hàng đầu và các thương hiệu bán lẻ chiếm 13,2%.
Không phải quốc gia nào cũng có đủ năng lực để xây dựng một thương hiệu lớn và các nền kinh tế lớn hơn thường có lợi thế về mặt này. Tuy nhiên, các thương hiệu được công nhận trên toàn cầu có thể xuất hiện từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới và trong một số trường hợp, các nền kinh tế nhỏ vẫn có thể mang tới những thương hiệu thành công ngoài mọi mong đợi: điển hình như thương hiệu điện thoại Nokia của Phần Lan và bia Corona của Mexico.