“Warren Buffet của Ấn Độ”: "Cần cấm bitcoin”

Nhà đầu tư, tỷ phú người Ấn Độ Rakesh Jhunjhunwala cho rằng các cơ quan quản lý của đất nước nên cấm các loại tiền điện tử như bitcoin.

Nhà đầu tư Rakesh Jhunjhunwala, thường được ví như Warren Buffett của Ấn Độ, chia sẻ trong một video phỏng vấn cùng CNBC rằng bản thân ông “sẽ không bao giờ mua bitcoin”.

“Tôi không muốn ‘bữa tiệc’ nào mình cũng phải tham gia. Tôi thấy cảm giác ‘nôn nao’ sau đó còn tồi tệ hơn nhiều,” ông cho biết.

Bitcoin đã có một bước tiến ngoạn mục trong thời gian gần đây, theo dữ liệu từ Coin Metrics. Những lợi nhuận mạnh mẽ đó một phần là nhờ các nhà đầu tư và công ty lớn chấp nhận bitcoin, trong đó bao gồm Tesla của Elon Musk và Ngân hàng New York Mellon.

Các nhà quản lý của Ấn Độ hiện vẫn chưa đưa ra quyết định về bitcoin và các loại tiền điện tử khác, nhưng có nhiều đồn đoán về việc chính phủ đang có kế hoạch cấm tất cả các loại tiền ảo tư nhân và tung ra loại tiền kỹ thuật số chính thức của riêng mình.

“Tôi nghĩ các cơ quan quản lý nên vào cuộc và cấm bitcoin,” nhà đầu tư hiện là đối tác của công ty quản lý tài sản Rare Enterprises cho biết. "Và họ nên tập trung vào đồng rupee kỹ thuật số."

Triển vọng tăng trưởng ở Ấn Độ hậu đại dịch

Về triển vọng của đất nước, tỷ phú Jhunjhunwala lạc quan và cho biết ông tin Ấn Độ sẽ phục hồi mạnh mẽ dựa trên những cải cách và sáng kiến trong ​​chính sách mà chính phủ đưa ra gần đây.

“Tôi nghĩ bây giờ chúng tôi có một Ấn Độ đang hồi sinh. Ngân sách Ấn Độ thông báo rằng chính phủ sẽ làm những gì cần làm về chính sách và cải cách. Tất cả những điều này kết hợp lại với nhau.” Trong lần phát hành ngân sách gần đây, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman đã công bố kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vốn và thực hiện các cải cách khu vực tài chính để hỗ trợ nền kinh tế bị vùi dập của Ấn Độ sau sự suy thoái do đại dịch gây ra. Bà cũng cho biết Ấn Độ sẽ cần vay 800 tỷ rupee (10,96 tỷ USD) trong hai tháng tới từ thị trường trái phiếu.

“Tôi nghĩ rằng Ấn Độ đang ở giai đoạn cuối của Covid-19,” ông hy vọng đất nước có khả năng tăng trưởng từ 10% đến 11% trong năm tới.

Nguồn: CNBC

Có thể bạn quan tâm