Yahoo: Hành trình từ ngôi sao sáng tới cái tên bị lãng quên

Trước Google hay Facebook, Yahoo từng là ngôi sao sáng nhất Thung lũng Silicon. Nhưng hào quang của họ đã lụi tàn theo năm tháng…

Được định giá hơn 100 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao năm 2000, Yahoo đã từ chối lời đề nghị trị giá gần 45 tỷ USD từ Microsoft vào năm 2008.

Thế nhưng, vào tháng 7 năm 2016, ông hoàng internet một thời đã đồng ý bán hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình cho Verizon. Vụ mua bán này được cây bút Brian Solomon của Forbes gọi là “thương vụ trị giá 5 tỷ USD buồn nhất lịch sử ngành công nghệ”.

Từ ông hoàng internet…

Yahoo! là một trong những công cụ tìm kiếm đầu tiên trên internet. Yahoo! là một hiện tượng internet vào thời mà mọi người mới bắt đầu biết cách thức hoạt động của nó.

Năm 1994, David Filo và Jerry Yang ra mắt “Jerry's Guide to the World Wide Web” từ Stanford. Trang web này là một thư mục được tạo thủ công gồm các trang web khác, được tổ chức theo thứ bậc chứ không phải là một chỉ mục trang có thể tìm kiếm được. Filo và Yang đổi tên trang thành “Yahoo!”, viết tắt của Yet Another Hierarchically Organised Oracle, để mô tả cách trang web được tổ chức theo các danh mục phụ (nghệ thuật, kinh doanh, máy tính, kinh tế…).

Một năm sau đó, Michael Moritz của Sequoia Capital cung cấp Yahoo! với số vốn đầu tư mạo hiểm tương đương 3 triệu USD. Timothy Koogle trở thành Giám đốc điều hành thay Jerry Yang.

Yahoo! 1998
Trang chính yahoo.com năm 1998

Đến năm 1996, Yahoo! được định giá 848 triệu USD và chính thức phát hành cổ phiếu ra công chúng. Yahoo! huy động được 33,8 triệu USD bằng cách bán 2,6 triệu cổ phiếu với giá mở cửa là 13 USD mỗi cổ phiếu.

Năm 1997, Yahoo! Mail ra mắt sau khi mua lại Four11 (Webmail). Không giống như thư AOL, Yahoo! Mail không yêu cầu đăng ký. Lượng độc giả tại Mỹ của Yahoo! vượt qua 25 triệu người dùng, so với 5 triệu của AOL là công ty cung cấp dịch vụ internet toàn cầu trụ sở tại Mỹ.

Đến đầu năm 1998, Yahoo! đã tích hợp các dịch vụ như email, mua sắm, rao vặt, cá nhân, trò chơi, du lịch, thời tiết, bản đồ, tìm kiếm người, trò chuyện với người nổi tiếng, phiên bản dành cho trẻ em có tên là Yahooligans và một tạp chí trực tuyến. Vào thời điểm đó, nó đang cạnh tranh với các cổng tìm kiếm như Excite, InfoSeek và Lycos để cung cấp mọi thứ trên mạng ở một nơi. Yahoo! hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường bấy giờ với lượng truy cập lên tới 95 triệu lượt mỗi ngày, cao gấp ba lần đối thủ của nó là Excite.

Tháng 12 năm 1999, cổ phiếu Yahoo! đạt đỉnh ở mức khoảng 500 USD một cổ phiếu, tức hơn 108 USD một cổ phiếu sau khi chia tách.

Yahoo! từng là ông hoàng internet một thời
Yahoo! thống trị thị trường công nghệ những năm 99-2001

Năm 2000, Yahoo! đạt mức định giá cao nhất là 125 tỷ USD. AOL là nhà cung cấp internet lớn nhất quốc gia và được định giá 125 tỷ USD, Ebay được định giá khoảng 18 tỷ USD và Amazon là 8 tỷ USD. Google bắt đầu bán quảng cáo được liên kết với từ khóa.

Khoảng thời gian sau đó, Yahoo! đã mất nhiều nhà quảng cáo và gần như toàn bộ giá trị của nó trong vụ sụp đổ dotcom bắt đầu vào tháng 4 năm 2000.

Vào cuối năm 2004, Yahoo! đã có giá trị gần 52 tỷ USD. Đó là mức vốn hóa thị trường lớn hơn vào thời điểm đó so với Amazon (16 tỷ USD), Apple (25 tỷ USD) và Google (49 tỷ USD) mới IPO.

Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong thế giới internet, chất lượng của Yahoo! lại tụt dốc không ngừng. Khi Google, Bing và một số công cụ tìm kiếm khác nổi lên, Yahoo! vẫn chiếm hoàn toàn ưu thế. Nhưng vào năm 2001, các máy chủ của Yahoo! liên tục gặp sự cố trong thời gian cao điểm, email không được gửi đúng hạn và đây là lý do khiến người dùng dần từ bỏ nền tảng này. Điều này lợi cho Google với tư cách là một công cụ tìm kiếm vì người dùng đang xem xét một công cụ tìm kiếm khác có giao diện và hiệu quả tốt hơn.

…đến cái tên bị quên lãng

Yahoo! dần đi lép vế so với các đối thủ cạnh tranh
Yahoo! dần đi lép vế so với các đối thủ cạnh tranh

Sau đó, Google trở thành gã khổng lồ trong ngành quảng cáo, Apple trở thành iPhone và Amazon trở thành một phần lợi nhuận nhỏ dựa trên những dòng doanh thu ngày càng khổng lồ.

Trong khi đó, Yahoo! chật vật trong việc định hình bản thân. Yahoo! đã cố gắng xây dựng sự thống trị trong lĩnh vực thư tín, mạng xã hội, chia sẻ hình ảnh, viết blog, phát sóng, thương mại điện tử, nhắn tin và nhiều lĩnh vực khác… hầu hết đều hoạt động ổn, nhưng không có lĩnh vực nào là đứng đầu. Đến năm 2007, Yahoo! mua lại Flickr, Delicious, Right Media nhưng những công ty này không thể cạnh tranh với sự đi lên của Facebook.

Hết lần này đến lần khác, Yahoo! thất bại trong việc chiếm lĩnh các phân khúc thị trường mới. Giá trị thị trường của công ty đạt khoảng 56 tỷ USD vào cuối năm 2005 và liên tục đi xuống. 

Microsoft đã liên tục tiếp cận Yahoo! để mua lại công ty này. Vào các năm 2005, 2006, 2007, Yahoo! đã nhiều lần từ chối các thỏa thuận trị giá 30 đến 40 tỷ USD từ Microsoft. Lời đề nghị cuối cùng trị giá 44,6 tỷ USD vào năm 2008 của Microsoft cũng đã bị từ chối. Kết quả là công ty liên tục thất bại sau đó trên thị trường do thua lỗ. Hai năm sau nỗ lực mua lại của Microsoft, Yahoo! đã mất 50% giá trị.

Yahoo! liên tiếp từ chối đề nghị mua lại từ Microsoft
Yahoo! liên tiếp từ chối đề nghị mua lại từ Microsoft

Yahoo!, nhận ra rằng Google đang chinh phục thị phần toàn cầu với tốc độ cực nhanh. Hiểu được tính cấp bách của tình hình, năm 2013 Yahoo! tiếp tục mua lại Overture với giá 1,63 tỷ USD để phát triển công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, Overture đã thất bại trong việc cạnh tranh với các kỹ thuật công cụ tìm kiếm tiên tiến của Google.

Kể từ 2008, Yahoo! hoàn toàn bị thị trường công nghệ bỏ lại phía sau. Yahoo! nỗ lực thay đổi CEO trong hành trình định hình bản thân, từ cựu giám đốc điều hành của Autodesk bà Carol Bartz, chủ tịch Paypal ông Scott Thompson, tới cựu lãnh đạo Google bà Marissa Mayer vào năm 2012. Trong khoảng thời gian nay, Yahoo! xoay chuyển giữa việc trở thành ông lớn truyền thông và trở thành một gã khổng lồ công nghệ.

Bà Mayer đã cố gắng bỏ cổ phần vào mạng xã hội, mua nền tảng blog Tumblr với giá 1,1 tỷ USD vào năm 2013. Bà ước tính rằng Tumblr có thể tăng lượng độc giả của Yahoo! lên 50%. Nỗ lực cứu Yahoo! của bà Mayer dường như đạt hiệu quả, khi một năm sau khi bà giữ chức CEO, cổ phiếu của Yahoo! đã tăng từ 15,74 USD một cổ phiếu lên khoảng 28 USD, mức cao nhất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, sau đó, Tumblr liên tục mất người dùng và không thể chịu được sự cạnh tranh gay gắt cũng như mức độ phổ biến của các trang xã hội khác. Đồng thời, doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Yahoo! vẫn không tăng. Công ty đã báo cáo khoản lỗ ròng 99 triệu USD năm 2015, so với khoản lãi 21 triệu USD trong cùng quý năm trước đó.

Marissa Mayer được kỳ vọng sẽ vực dậy Yahoo!, nhưng những nỗ lực của bà không gặt hái được thành quả lâu dài
Marissa Mayer được kỳ vọng sẽ vực dậy Yahoo!, nhưng những nỗ lực của bà không gặt hái được thành quả lâu dài

Tháng 7 năm 2016, Verizon Communications thông báo rằng họ đã đồng ý mua lại mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo! với giá 4,83 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 1/9 giá trị Microsoft đưa ra vào năm 2008. Sau thương vụ này, bà Marissa Mayer từ chức khỏi vị trí CEO của Yahoo!.

Năm 2021, Verizon tuyên bố họ sẽ bán Yahoo! cùng với AOL cho Apollo Global Management vào tháng 5 trong một thỏa thuận được cho là trị giá 5 tỷ USD.

Có thể thấy, nỗ lực thống trị tất cả lĩnh vực của công ty, điều tạo nên thành công rực rõ của Yahoo! thời kỳ đầu của internet, lại trở thành một nguyên do hàng đầu cho sự vụt tắt nhanh chóng của họ. Yahoo thất bại trong việc trở thành một trong những cái tên đầu tiên hiện ra trong tâm trí công chúng ở bất kỳ lĩnh vực nào, đồng thời cũng thất bại trong việc theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ tiên tiến nói riêng cũng như nhu cầu xã hội nói chung.

Hiện tại, Yahoo! vẫn hoạt động tốt ở một vài mảng nhất định. Theo một báo cáo từ cuối năm 2019, có hơn 200 triệu người dùng email Yahoo vẫn đang hoạt động. Trong khi đó, Yahoo! News và Yahoo! Finance vẫn là hai trong những website tin tức có lượng truy cập hàng đầu thế giới theo Similarweb. Yahoo! News có 264,6 triệu lượt truy cập trong tháng đầu năm 2023. Trong khi đó trang thông tin tài chính của nó là Yahoo! Finance cũng có lượng truy cập lên đến 246,7 triệu cùng thời điểm.

Xem thêm

Yahoo chính thức rút khỏi Trung Quốc

Yahoo chính thức rút khỏi Trung Quốc

Yahoo đã ngừng tất cả quyền truy cập vào dịch vụ của mình ở Trung Quốc, trở thành công ty công nghệ mới nhất của Mỹ rút khỏi quốc gia này.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…