Anh đối diện hậu quả gì nếu kịch bản Brexit "không thỏa thuận" xảy ra?

Nếu nước Anh không sớm đạt được thỏa thuận Brexit trước tháng 3/2019 thì nước này sẽ phải đối diện với hậu quả về kinh tế trong nhiều lĩnh vực như tiền tệ, thực phẩm, bán lẻ…
Anh đối diện hậu quả gì nếu kịch bản Brexit "không thỏa thuận" xảy ra?

Chỉ còn chưa đầy nửa năm nữa là tới thời điểm Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất quan điểm và London đang lên kế hoạch chuẩn bị cho khả năng Brexit mà không đạt được bất cứ thỏa thuận chính thức nào với EU.

Theo các nhà phân tích, thị trường tài chính Anh sẽ bị tác động mạnh nếu xảy ra trường hợp Brexit không thỏa thuận, trong đó đồng bảng Anh sẽ chịu tổn thương lớn nhất. 

Một ngày sau khi Vương quốc Anh bỏ phiếu Brexit, đồng bảng Anh chứng kiến ngày rớt giá mạnh nhất trong lịch sử đối với một đồng tiền trong nhóm G10. Fiona Cincotta - một nhà phân tích thị trường cao cấp tại sàn giao dịch trực tuyến City Index cho biết, “bảng Anh rất có thể khả năng lặp lại sự suy giảm này”.

Trước đó, đồng bảng Anh đã sụt giảm mạnh sau khi cử tri Anh bỏ phiếu để rời khỏi EU, rơi xuống mức gần 1,18 USD vào cuối năm 2016. 

George Brown - một nhà kinh tế tại Công ty tài chính Investec tin rằng Anh và EU sẽ đạt được một thỏa thuận trước thời hạn cuối tháng 3/2019. Nhưng ông cảnh báo rằng, đồng bảng Anh có thể giảm xuống dưới mức 1,10 USD nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra.

Không chỉ riêng với tiền tệ, các nhà sản xuất ôtô, cửa hàng tạp hóa và các nhà bán lẻ đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu họ không thể nhận được “đúng sản phẩm - đúng số lượng - đúng nơi - đúng thời điểm cần thiết” để củng cố chuỗi cung ứng của họ.

Trong đó, ngành bán lẻ và cung ứng thực phẩm có thể bị tổn thất 9,3 tỷ bảng Anh (tương ứng 12,2 tỷ USD) nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận.

Theo nhận định của người đứng đầu bộ phận bán lẻ thuộc Ngân hàng hợp tác Barclays, ông Ian Gilmartin, một số mặt hàng sẽ tránh được thuế ngay cả khi kịch bản Brexit "không thỏa thuận" xảy ra. Song đối với hầu hết các mặt hàng, thiệt hại do bị tăng thuế sẽ hết sức nghiêm trọng, trong đó những mặt hàng rẻ hơn sẽ là nhóm chịu tổn thất lớn nhất. 

Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 3/2019 nhưng cho tới nay, quá trình đàm phán để cho ra bản thỏa thuận "ly hôn" cuối cùng vẫn bế tắc.

Tại hội nghị không chính thức tổ chức ở Salzburg trong 2 ngày 19-20/9 vừa qua, 27 quốc gia thành viên EU đều bác bỏ kế hoạch Brexit mà Chính phủ Anh đề xuất. Động thái này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Thủ tướng Anh Theresa May với cảnh báo Anh sẵn sàng chấp nhận rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận.

Có thể bạn quan tâm