Lễ hội té nước Songkran là ngày tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan. Bởi vì đạo Phật là quốc giáo của đất nước này, nên ngày mừng năm mới Songkran được tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch (tương ứng với ngày 13-15/4 theo dương lịch). Quy định này được bắt đầu từ năm 1941 do Hoàng gia Thái Lan ban hành.
Trong năm nay, lần đầu tiên được tổ chức trở lại sau 4 năm, lễ hội dự kiến thu hút được 10 triệu du khách quốc tế và sẽ đóng góp 11,8 tỷ baht vào tổng chi tiêu quốc gia.
THÚC ĐẨY DU LỊCH
Vào 6/12/2023, UNESCO đã ghi “Songkran - Lễ hội đón năm mới truyền thống của Thái Lan” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sự công nhận này nhấn mạnh ý nghĩa của Songkran như một tập tục văn hóa thể hiện các giá trị và truyền thống xã hội quan trọng.
Sau khi lễ hội được công nhận, chính phủ Thái Lan do Thủ tướng Srettha Thavisin đứng đầu đã quyết định nới dài lễ kỷ niệm thành 21 ngày nhằm mục đích kích thích du lịch và chi tiêu kinh tế cho năm 2024. Nội các Thái Lan đã phê duyệt gói ngân sách đặc biệt trị giá 104,87 triệu Baht (hơn 2,9 triệu USD) để tổ chức “Lễ hội té nước thế giới Maha Songkran” tại Bangkok và một số tỉnh trọng điểm.
Lễ hội Songkran năm nay diễn ra từ ngày 11 đến ngày 15/4, tuy nhiên, các hoạt động chào mừng đã bắt đầu kể từ đầu tháng và có thể sẽ kéo dài đến hết tháng 4.
Chính phủ nước này kỳ vọng, lễ hội sẽ giúp Thái Lan trở thành một trong 10 quốc gia có lễ hội hấp dẫn nhất, thu hút sự quan tâm của cả người dân địa phương và khách nước ngoài.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, người tham dự có thể tham gia cúng dường cho các nhà sư Phật giáo và thực hiện nghi thức rưới nước truyền thống lên tay người già và tượng Phật. Bên cạnh đó, một trong những hoạt động nổi bật nhất là truyền thống té nước của người dân Thái Lan, vốn được duy trì vào tháng 4 vì đây là thời điểm nóng nhất trong năm ở Thái.
Tuy nhiên, phong tục truyền thống này cũng dần được thay đổi để trở nên hiện đại và thú vị hơn. Người dân và cả khách du lịch sử dụng những khẩu súng nước để té nước chơi đùa trên khắp đường phố.
“Với sự căng thẳng liên quan đến Covid-19 và việc tạm dừng các sự kiện vui chơi trong vài năm qua, chúng tôi hy vọng sẽ người dân và khách du lịch từ khắp nơi có thể thoải mái trải nghiệm lễ hội Songkran tại Thái Lan. Đây cũng chính là cơ hội giúp nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng từ 3% đến 4% trong cả năm 2024”, ông Thanavath Phonvichai, chủ tịch cố vấn của Trung tâm Dự báo Kinh tế và Kinh doanh thuộc Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC) cho biết.
Ngoài các hoạt động trong dịp lễ hội lớn, Thái Lan cũng triển khai nhiều chính sách thân thiện với khách du lịch hơn như miễn thị thực, hoàn thuế giá trị gia tăng, chương trình bảo hiểm y tế mới cho du khách quốc tế với mức thanh toán cao nhất lên tới 1 triệu Baht.
Người phát ngôn chính phủ, ông Chai Wacharonke tiết lộ, dữ liệu từ Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) và Cục Di trú cho thấy số lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan hiện đã tăng 146,21% so với cùng kỳ năm ngoái, với 10,4 triệu du khách đã nhập cảnh vào nước này từ ngày 1/1 đến ngày 9/4.
Phần lớn khách du lịch đến từ Trung Quốc (1,92 triệu người), tiếp theo là Malaysia (1,27 triệu người), Nga (670.233 người), Hàn Quốc (595.705 người) và Ấn Độ (519.878 người).
Bên cạnh đó, đài phát thanh hàng không Thái Lan cũng dự đoán, lưu lượng truy cập còn tăng cao hơn nữa trong thời gian diễn ra lễ hội, dự kiến khai thác 16.307 chuyến bay trong giai đoạn từ 11 - 17/4, theo Bangkok Post đưa tin.
Ông Chai Wacharonke nhận định, sáng kiến mới về các biện pháp miễn thị thực hay quy trình nhập cư hợp lý cùng nỗ lực đẩy mạnh vị thế của đất nước như một trung tâm du lịch hàng đầu châu Á đã góp phần mang lại lượng khách du lịch lớn đến Thái Lan.
BÀI TOÁN KINH TẾ
Theo Phòng Thương mại Thái Lan, lễ hội đón năm mới Songkran dự kiến thu hút 10 triệu khách du lịch quốc tế và mang lại khối tài sản kinh tế trị giá 140 đến 200 tỷ Baht (3,5 tỷ USD) cho nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch của nước này.
Kết quả khảo sát từ nền tảng cho thuê lưu trú Airbnb dường như cũng đồng tình với quan điểm của UTCC. Số lượng du khách tìm kiếm chỗ ở trên nền tảng này trong kỳ nghỉ lễ Songkran đã tăng 310% trong năm nay. Airbnb cũng cho biết Thái Lan vẫn là điểm đến hàng đầu của du khách nước ngoài, đặc biệt là trong dịp lễ hội té nước nổi tiếng vào tháng 4.
Tuy nhiên, bất chấp những dự báo này, ông Thanavath Phonvichai, giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế và Kinh doanh UTCC cho rằng, tăng trưởng chi tiêu trong nước có thể chậm hơn một chút. Trong khi kỳ nghỉ lễ Songkran được dự đoán sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế thêm 2,9% với mức chi tiêu nội địa ước tính vào khoảng 11,8 tỷ Baht, vẫn thấp hơn kỷ lục năm 2019 là 13,5 tỷ Baht.
Điều này là bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế không đồng đều trên cả nước, đặc biệt là ở các khu vực tỉnh lẻ và thói quen chi tiêu thận trọng của người dân trung lưu Thái Lan.
Mặc dù sự lạc quan đối với chi tiêu du lịch trong dịp Songkran vẫn thường xuyên được nhắc đến, nhưng tình hình ô nhiễm không khí dày đặc ở Chiang Mai và Chiang Rai lại đang cản trở sự phục hồi du lịch ở các thành phố phía bắc này.
Sương mù nghiêm trọng và sự gia tăng ô nhiễm trên mức PM2.5 xảy ra là bởi hoạt động đốt đồng nông nghiệp sau mùa thu hoạch kiểu cũ ở Thái Lan và các nước lân cận, đặc biệt là Myanmar và Lào. PM2.5 là mức độ nguy hiểm có thể gây ra các bệnh ở phổi.
Ngày 8/3 vừa qua, trang web AirVisual đã xếp hạng Chiang Mai là nơi có ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới, với nồng độ PM2.5 là 220 microgam/m3, cao hơn nhiều so với giới hạn an toàn 25 microgam/m3.
Ông Yuthasak Supasorn, giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) lưu ý với báo giới rằng, mặc dù ô nhiễm không khí ở các thành phố phía bắc không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến ngành du lịch nói chung của Thái Lan nhưng chắc chắn nó đã làm giảm số lượng du khách đến khu vực này.
“Khoảng 10% đến 15% khách du lịch địa phương và nước ngoài dự định đi du lịch ở khu vực phía bắc đã hủy chuyến. Tuy nhiên, may mắn thay, họ vẫn chưa rời khỏi lãnh thổ Thái Lan mà chọn chuyển sang các thị trấn ven biển nổi tiếng ở phía nam, những nơi hiện đang sẵn sàng chào đón họ”, ông Yuthasak Supasorn giải thích.
Đại diện của TAT tại Phuket, ông Lertchai Wangtrakuldee dự kiến hòn đảo sẽ chào đón hơn 22.000 du khách nước ngoài và tạo ra doanh thu lên tới 45 tỷ Baht trong kỳ nghỉ lễ, tương đương hơn 1/3 tổng doanh thu dự kiến của cả nước. Đặc biệt, hòn đảo Andaman nhỏ bé gần Phuket cũng nhận được nhiều sự chú ý hơn trước, với lưu lượng du khách trong tháng 4 được kỳ vọng tăng khoảng 30% so với mức trước đại dịch Covid-19.