Cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% quy định trong kinh doanh trong 5 năm tới

Đây là mục tiêu của Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% quy định trong kinh doanh trong 5 năm tới

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, đây là Chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách các quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mục tiêu cụ thể của chương trình trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020).

Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Trong giai đoạn 2007 - 2010, Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/ 5.421 TTHC, cắt giảm 37,31% TTHC tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

Trong giai đoạn 2016-2020, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng, các Bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

Thúc đẩy đơn giản hoá TTHC cũng như giảm tối đa các điều kiện kinh doanh được kỳ vọng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra để phục hồi nhanh chóng.

Có thể bạn quan tâm