Elizabeth Holmes và Theranos Múa gậy bán thuốc?

Forbes số ra 15/6/2015 lăng xê 50 phụ nữ giàu nhất Hoa Kỳ, những người tự kiếm tiền bằng bàn tay khối óc của mình (self – made women). Trong các vị trí hàng đầu là tên tuổi quen thuộc như Diane Hendri
Elizabeth Holmes và Theranos Múa gậy bán thuốc?

Forbes số ra 15/6/2015 lăng xê 50 phụ nữ giàu nhất Hoa Kỳ, những người tự kiếm tiền bằng bàn tay khối óc của mình (self – made women). Trong các vị trí hàng đầu là tên tuổi quen thuộc như Diane Hendriks, sở hữu ABC Supply cung cấp vật liệu xây dựng, tài sản trị giá 3,7 tỉ Mỹ kim; Doris Fisher, nữ chủ nhân của thương hiệu thời trang Gap, với 3,1 tỉ USD… Nhưng, ngôi vị đầu bảng thuộc về chủ của Theranos, một doanh nghiệp về kỹ thuật y tế và dịch vụ thí nghiệm - Elizebeth Homes, với sản nghiệp được đánh giá tới 4,5 tỉ USD ở độ tuổi đang xoan, trước đó khá kín tiếng, đã gây “bão” trên truyền thông về “quyền lực nữ”. Chỉ một năm sau, cũng chính Forbes, đã đánh giá lại tài sản của Elizabeth bằng… “zê rô”. Theranos đang trải qua cuộc bể dâu của những scandal không dứt, từ khi The Economist (tháng 10/2015) gọi sự nghiệp của công ty khởi nghiệp kiểu “đột phá” (startup) này chắc là một thứ truyện giả tưởng (fantasy). Holmes đã không thể thuyết phục những người lập danh sách của tạp chí Forbes rằng mình còn khả năng làm cách mạng trong lĩnh vực y tế. Cô gái 13 năm trước đã chứng minh được với toàn cầu, rằng mình là một Steve Jobs mặc váy, vừa đánh mất niềm tin nơi những nhà đầu tư. Vạn sự khởi đầu… thuận Theo chính Elizabeth kể lại, chính nỗi sợ đời thường nhất đã đẩy cô tới ý tưởng thay đổi triệt để việc xét nghiệm máu. Elizabeth hồi nhỏ rất ngán cái thủ tục khiến bệnh nhân phải chịu cái kim to gớm ghiếc và nỗi đau mà nó gây ra. Cô tự hỏi có cách nào chỉ cần một lượng máu rất ít mà vẫn có những kết quả xét nghiệm đầy đủ cho chẩn đoán. Kết quả là Theranos giới thiệu với chúng ta thiết bị cầm tay Edison đi cùng một bộ với nanotainer (container siêu nhỏ) gồm những viên nang có khả năng thu thập và phân tích mẫu chất nhận được. Edison chỉ cần vài giọt máu có được nhờ một que hút từ ngón tay (finger – stick), chứ không còn dùng cả một ampul máu lấy được nhờ chích tĩnh mạch bằng công nghệ vi hệ thống điều khiển chất lỏng (microfluidics) truyền thống. Holmes đứng thứ 110 trong danh sách Forbes 400 năm 2014, và dẫn đầu danh sách Forbes năm 2015 về các những nữ doanh nhân tay trắng làm nên sản nghiệp lớn. Holmes cũng là nữ tỉ phú trẻ nhất khi được Forbes đánh giá tái sản là 4,5 tỷ, vì cô nắm giữ 50% cổ phẩn của Theranos - doanh nghiệp trị giá 9 tỷ $. Cho tới 2014, Holmes đã được của Hoa Kỳ cấp chứng nhận 18 bằng phát minh và các nước khác cấp chứng nhận 66 bằng phát minh nữa, Cô cũng được đưa vào danh sách đồng sáng chế (co – inventor) của hơn trăm ứng dụng phát minh sáng chế nữa (theo Fortune số ra tháng 12/2014). Từ 2015 Holmes trở thành người trẻ nhất đoạt giải của Hiệp hội Horatio Alger gồm những người Mỹ xuất sắc nhất. Cùng năm, tạp chí Time đưa cô vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất. Tự vệ bằng quyền bảo mật mọi thông tin trong khuôn khổ “bí mật kinh doanh”, Theranos tự thấy không cần phải làm vững chãi những tuyên bố khủng của mình bằng thực chứng. Trong nhiều năm liền, Theranos đã luôn viện lẽ rằng các nhà bác học đang làm việc để hoàn thiện công nghệ của doanh nghiệp này đến mức lý tưởng, để không đưa ra những chi tiết hơn là chỉ khẳng định. Theranos từng luôn khẳng định chỉ cần đôi giọt máu đào, công nghệ mang tính cách mạng của doanh nghiệp này cho phép tiến hành tới 240 xét nghiệm. Trong Ban quản trị của Theranos thấy có nhiều khuôn mặt từng nổi trội trên chính trường, như các cựu Ngoại trưởng George Shultz và Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry, tướng lính thủy đánh bộ James Mattis, và Đô đốc Gary Roughhead, cựu nghị sĩ ... và có điểm xuyết một số quản trị gia, và một chuyên gia bệnh học (William Foege, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch toàn quốc), hai bác sĩ…Tới tháng 10/2015  tờ Fortune ‘chê” ban lãnh đạo Theranos quá nhiều “quan hệ chính trị”, quá ít chuyên gia chuyên ngành. Hoa ghen đua thắm? Trước đây, từng có những trường hợp doanh nhân giàu nhanh ở các nước thuộc Liên Xô cũ được lọt vào danh sách của Forbes, để rồi sau đó “ăn đòn” liểng xiểng. Nhưng cũng có ngay những lý giải, hẳn do tiền sử làm giàu “tư bản nguyên thủy” khó mà đảm bảo được các chỉ tiêu thành đạt nhờ “trong ngọc trắng ngà”. Liệu việc Elizabeth đạt bằng ấy danh hiệu cao, thương hiệu “mạnh” trong đôi năm gần đây, có biến cô thành nạn nhân của “ghen ăn tức ở”? Tháng 10/2015, Tạp chí phố Wall (WSJ) công bố điều tra về Theranos trên thực tế hành nghề ra sao. WSJ đồ rằng tầm vóc và độ tin cậy của công nghệ của Theranos hẳn đã được phóng đại. Một số nhà nghiên cứu bệnh học và một số chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh sự hoài nghi đối với công nghệ của Theranos. Bằng uy tín của mình, phóng sự trên của WSJ giáng vào một đòn khủng vào uy tín của Theranos. Dù “cô gái kim cương” này cực lực phản kháng, những phát ngôn trước đó của Holmes về tiếp cận có tính cách mạng trong lấy máu để xét nghiệm không cần kim và không gây đau, từ đó, chợt trở thành không đáng tin cậy về mặt chuyên môn. Những người từng làm cho Theranos kể rằng, đa số các xét nghiệm được tiến hành trên các máy móc truyền thống làm việc này như của Siemens, và việc không lấy máu từ ven là không thể không tiến hành nếu muốn có kết quả tin cậy. Và trong số 240 xét nghiệm mà Theranos từng quảng cáo có thể thực thi, nay chỉ có 5 xét nghiệm là có ý nghĩa thực tiễn. Hiện Theranos và Holmes vẫn giữ phong thái “kín tiếng”, không bình luận gì về việc “nữ tỉ phú trẻ nhất” bị đẩy khỏi danh sách của Forbes. Xuất hiện gần đây nhất của Holmes là lời bình đầy tức giận của cô về bài viết trên của Tạp chí Phố Wall. Holmes cho rằng cộng đồng thường không hiểu được những thiên tài, chỉ vì thiên tài là khác với người thường. Đồng thời, do cổ phiếu của Theranos đã không được đưa lên sàn chứng khoán, và doanh nghiệp này không công báo thông tin về các chỉ số tài chính của mình, những đánh giá mới đây được đưa ra chỉ dựa trên thông tin về những khoản đầu tư vào Theranos. Forbes đã đàm thoại với hơn 10 nhân vật gồm các nhà đầu tư vốn mạo hiểm, các nhà phân tích, và các chuyên gia để đi đến một đánh giá sản nghiệp của Theranos thực tế hơn – 800 triệu USD. Theo số liệu của VC Experts, các nhà đầu từ đã bỏ vào Theranos khoảng 724 triệu USD. Các nhà đầu tư nắm số cổ phiếu ưu đãi. Elizabeth không có được lợi thế này – cô chỉ sở hữu cổ phiếu thường. Điều này nghia là nếu trường hợp Theranos bị công bố phá sản, tất cả tiền nong sẽ về tay các nhà đầu tư trước, còn “Steve Jobs (Elizabeth) mới” như Forbes nhấn mạnh, đứng cuối hàng của “diện được bồi thường”, vì thế khó mà nhận được một xu nào. Vào tháng 5/2016, các thông tin về Theranos còn tệ hơn, khi công ty này bị nghi là không chỉ lừa những nhà đầu tư, mà còn từng tìm cách qua mặt các cơ quan chức năng Liên bang. Có tin Cục kiểm soát sản phẩm và thuốc Hoa Kỳ (FDA) đã tới thanh tra Theranos. Và kết quả thanh sát này đã khiến FDA cấm Theranos sử dụng thiết bị Edison trong mọi xét nghiệm, ngoại trừ xét nghiệm xác định virus herpes (bệnh mụn rộp). Chính quyền đang dấn lên trong điều tra hoạt động của Theranos. Cụ thể Sở Y tế bang Arizona vừa nhận thấy những vấn đề nghiêm trọng trong một phòng thí nghiệm của Theranos. Đồng thời với quá trình trên, Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Hoa Kỳ (The United States Securities and Exchange Commission/SEC) sẽ thẩm tra để kết luận xem Theranos có cố tình dẫn dắt lạc hướng các nhà đầu tư khi yêu cầu tài trợ. 25/2/2016, Trung tâm Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Người già và Trợ giúp Bảo hiểm Y tế Người nghèo (Centers for Medicare and Medicaid Services/CMS – trực thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ) đã gửi một thư công vụ tới Theranos, căn cứ trên kết quả điều tra tiến hành tháng 11/2015 tại một phòng thí nghiệm của Theranos tại Newark, California. Thư này viết: “Đã xác định được rằng công tác đầy khiếm khuyết của phòng thí nghiệm này gây ra những nguy hiểm tức thời đối với an ninh và sức khỏe của bệnh nhân”. CMS cho Theranos 10 ngày theo giờ hành chính để tuân thủ các yêu cầu về huyết học, và các yêu cầu khác mà một phòng thí nghiệm phải theo, theo AP. 13/4/2016, truyền thông cho hay các quan chức CMS đang tìm cách cấm Holmes khỏi các hoạt động sở hữu hay điều hành một phòng thí nghiệm huyết học. Còn có ngày mai? Hiện tại, đương đầu với những sóng gió dư luận là một người thân cận với sự nghiệp của Holmes. Nhiều năm trước, cô gái quyết bỏ ngang Đại học Stanford, để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Nghe nói thiên tài bỏ học này thời đó đã thuyết phục được người thày của mình về “cuộc cách mạng” trong xét nghiệm máu. Giáo sư Stanford, Channing Robertson, đã tin vào sức mạnh của công cụ mới chưa hồn cốt, một cuộc cách mạng về xét nghiệm máu của cô học trò của mình. Ông đã đồng ý làm cố vấn kỹ thuật cho công ty khởi nghiệp đột phá (startup) này. Chính Channing Robertson hiện đang tiếp tục nhân danh Theranos đối thoại với truyền thông, tiếp tục điệp khúc rằng những tiếp cận có tính đổi mới cần được tạo thêm một cơ hội nữa. Giáo sư cho rằng ít lâu nữa thôi Theranos sẽ trở nên cởi mở hơn về thông tin, sẽ công bố các kết quả xét nghiệm và sẽ trình diễn cho công luận thấy công ty này đã làm được những gì trong hơn một thập kỷ qua. Trong tâm tư của người tiêu dùng, “nếu lĩnh ấn tiên phong” chưa phải là Theranos, thì với nhịp độ vũ bão của kinh tế tri thức, chắc chắn một công nghệ tương tự sẽ xuất hiện, có thể còn tiên tiến hơn. Chẳng hạn, không cần phải lấy “giọt máu đào” nào, chỉ cần một thứ “tấm đắp”, vẫn “gom” đủ dữ kiện về các quá trình sinh hóa bên trong cơ thể cho khâu chẩn đoán. Dù rằng phát kiến của “nàng Lisa” lần này không vượt qua được thử thách của khoa học và thực tiễn cuộc sống, hình ảnh người tiên phong trẻ của cô chắc vẫn đọng lại trong lòng ai. Elizabeth đã trình diễn khả năng “gọi vốn” từ các nhà đầu tư nổi tiếng khó tính, gây quỹ cho Theranos tới hàng trăm triệu USD, và biết cách mình thể hiện đến độ được  xem là“trị giá” (về tiềm năng về công nghệ - thương trường) tới hàng tỉ USD. Đồng thời, ta cũng nhớ rằng ngoài một số đã thành đạt (Apple, Microsoft, Google, Uber…), đa số startup đã chịu phận rác thải lịch sử… Chẳng muốn chuyện “lang băm” Những ai có lương tri, bây giờ cũng như về sau, hẳn không mong sẽ được tin rằng, hóa ra đây chỉ là một vụ gây vốn (fundrising) nhờ PR một ý tưởng công nghệ “hot” (hot technology). Nhân vật “chim mồi” vẫn là một khuôn mặt khả ái, tuy quá khứ không mấy ai biết, còn các giáo sư và các VIP sẽ đứng xung quanh gật gù, hoặc rình bên cánh gà, để chộp các “lợi ích nhóm”. Một phần tiền quơ được đem thuê mướn các chuyên gia công nghệ sinh hóa xây dựng siêu công nghệ. Để rồi cuộc “các nhà bác học làm việc để hoàn thiện công nghệ của doanh nghiệp này đến mức lý tưởng” (như lời Theranos, đã được nêu trên) bất thành, do bị xiết về thời gian, hoặc hết tiền, thì các vị chủ mưu tan chạy, để lại niềm hy vọng cũ của chúng ta trong “vai con dê tế thần” của một doanh nghiệp thuộc loại “bong bóng” công nghệ (tech bubbles), trên thung lũng Silicon. Ở phương Tây bao đời này chính khách gây quỹ bầu cử, đến khi lên không phải ai cũng làm điều đã hứa để (gom tiền) thắng cử. Trong khoa học chắc cũng có những kẻ, suốt đời, giành được các chức danh đủ loại trên nền lâu đài khoa học bằng các tông, mà không bị phát hiện. Còn trong một thị trường đúng nghĩa, một thương gia, sớm hay muộn, sẽ phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Thương trường chắc là nơi hiển hiện rõ của những chân lý: một điều bất tín, vạn sự không tin; mất niềm tin là mất tất cả… Hiện tại, có vẻ như chỉ có thương trường như Mỹ, là với thời gian, sẽ cuộc rọi đèn cho thấy rõ “ai là ai”. Nhiều nơi khác, lâu rồi, chỉ thấy lập lờ nước đục thả câu.

                                                                                                           Lê Đỗ Huy

Có thể bạn quan tâm