Nguyễn Văn Son: Người phục dựng khu Tràng An cổ

Khu du lịch sinh thái - tâm linh Tràng An – Hoa Lư Ninh Bình giờ đã nổi tiếng cả nước nhưng ít ai biết rằng cách đây chỉ chục năm thôi nơi đây vẫn còn hoang sơ và ít dấu chân người.
Nguyễn Văn Son: Người phục dựng khu Tràng An cổ

Người có công phục dựng TRÀNG AN CỔ, đưa du khách về khu di tích lịch sử hùng tráng của Vua Đinh Bộ Lĩnh là doanh nhân Nguyễn Văn Son. Thương Gia đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông ngay tại thung Cái Hạ, thôn Tràng An, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.  

Với ông Son dù làm gì, trên cương vị nào ông cũng quyết tâm và hết lòng vì nó. Chính những năm tháng quân ngũ đã rèn luyện cho ông ý thức kỷ luật và tinh thần đã nói là làm. Khi được người em họ mời làm phó giám đốc khu du lich sinh thái Tràng An phụ trách khâu khảo sát, không quản ngại, ông đã ăn ở cùng các đoàn khảo sát làm việc như một kỹ thuật viên thực thụ bao ngày trời. Có lẽ từ những gian khó đó đã nhen nhóm một một ý tưởng với khu du lịch tâm linh trong ông.

Kí ức nào quan trọng ở nơi đây để từ đó ông xây dựng nên khu du lịch như như Tràng An Cổ ngày nay?

Hồi còn nhỏ ông ngoại tôi hay ôm tôi trong lòng rồi giở cuốn “Ngọn cờ lau lịch sử” ra chậm rãi đọc cho con cháu nghe nên tôi thuộc nằm lòng những địa danh cổ như thung Ngoài Gai, thung Cái Hạ, thung Lau, thung Lồ, quèn Giót, quèn Vông, núi Ông Trạng, núi Hòm Sách, núi con Mèo… và cả tên các danh tướng, danh nhân thời Đinh. Xưa các cụ có tục kiêng tên huý nên gọi chệch Đinh Bộ Lĩnh là Đanh Bộ Lãnh - Đinh Điền thành Đanh Điền… Dường như những điều ấy cứ ám ảnh suốt thời niên thiếu, suốt cuộc đời khiến tôi luôn luôn gắn bó và như sống cùng với những huyền thoại ấy không dứt ra được.

Về với Tràng An cổ, du khách sẽ có dịp theo dòng Sào Khê, con sông đã đưa Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long

Có phải vì thế mà ông thuộc lòng đường vào rừng, xuống suối?

Tôi hay được phường săn phân công leo trèo, thám thính và mỗi khi ngồi vắt vẻo trên đỉnh núi, ngọn cây tôi mê mẩn ngắm núi rừng, sông suối từ trên cao và cũng dần tôi nhận ra sự liên kết gần gũi giữa các thung lũng với nhau và cảm thấy nao lòng khi ngắm các thung mà sử sách đã ghi, đã gắn bó với Đinh Bộ Lĩnh thuở chăn trâu, tập trận cờ lau cùng với các câu chuyện của các cụ và đọc sách dần hình thành trong tâm khảm tôi về một địa đồ chiến lược quân sự của Đinh Bộ Lĩnh buổi đầu khai quốc .

 Ông trầm ngâm kể cho tôi nghe mà như tự nói với chính mình:

Bắt tay làm khu du lịch sinh thái Tràng An là một cuộc cách mạng của cả vùng về đầu tư du lịch. Từ cấp tỉnh xem xét, đầu tư rồi thêm cả cấp trung ương cho ý kiến về qui mô, hạ tầng cho khu vực. Tôi phụ trách cả khảo sát, thi công với sự tin tưởng của chủ đầu tư và ý nguyện mong ước của tôi là đưa khu Hoa Lư trở thành di sản cho du lịch tâm linh của trong nước và thế giới. Mặc dù dự án hiện đã chuyển sang khai thác nhưng tôi vẫn canh cánh bên lòng là một khu lưu trữ những tư liệu ghi chép, cổ vật, nhà thờ dòng tộc… Vì thế tôi xin rút lui về để thực hiện tâm nguyện đã được hun đúc trong quá trình tiếp xúc với các nhà khoa học, với những người yêu lịch sử quê hương. Đây không chỉ là đưa khách đi du lịch, khai thác điểm du lịch mà hơn thế chính là tình yêu với lịch sử, văn hoá của cha ông, của dân tộc. Một “tua” riêng biệt với tên Tràng An Cổ.

Ông có thể cho biết một số điểm đặc biệt của khu này?

Lộ trình tham quan khu du lịch Tràng An Cổ - trung tâm di tích vùng lõi cố đô Hoa Lư – bảo tàng thiên nhiên – bảo tàng di tích lịch sử triều vua Đinh là thế này: Đầu tiên du khách sẽ thăm quan phủ thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Thái Tể Định Quốc Công Nguyễn Bặc cùng các đại thần tướng sĩ triều Đinh. Tham quan những cổ vật triều Đinh từ thời dẹp loạn 12 sứ quân, tiền triều Đinh, triều Lê và tiền đại diện cho các triều đại Việt Nam. Khách sẽ tham quan giếng Giải oan, giếng Rồng trong khu thờ tự.

Sau đó khách sẽ xuống thuyền xuôi sông Sào Khê (con sông lịch sử mà Thái tổ Lý Công Uẩn đã xuôi dòng dời Kinh đô về Kinh thành Thăng Long) rồi qua làng cổ Tràng An có núi Ghềnh Tháp – còn di tích xây kè nơi vua Đinh ngồi xem bơi chải và duyệt thuỷ quân, rồi Quèn Thụ Mộc, Động An Tiêm, vị trí lăng mộ Vua Đinh, lăng mộ Vua Lê cùng với những kỳ quan thiên nhiên có tên Núi Trạng Nguyên, núi Hòm sách… tới di tích động Liên Hoa, nơi hai vị tướng triều Đinh đã ngự và có bia đá tạc thơ của nhà chí sỹ yêu nước Phạm Văn Nghị chạm khắc năm 1874. Khách sẽ thăm quan một hang động có di tích chạm khắc duy nhất ở Hoa Lư của triều Đinh và có bia đá chúa Trịnh Sâm cho chạm vào vách núi bài thơ bên trên cửa xuyên thuỷ hang Luồn vào năm 1770.

Ông có thể tiết lộ cổ vật nào ông đang lưu giữ hiện nay là quí giá nhất của khu Tràng An?

 Đồng Thái Bình Hưng bảo! Tôi được biết hiện nay chỉ có vài đồng tiền cổ triều Đinh được trưng bày trong bảo tàng lịch sử quốc gia. Có thể nói tôi là người thứ 2 được sở hữu đồng tiền này khi làm nhà thờ, tìm thấy trong chính khu vực vườn nhà. Tôi được giáo sư Trần Quốc Vượng tặng cuốn Cổ vật Việt Nam trong một dịp ghé thăm Tràng An, lần giở ra xem những hình in đồng tiền cổ của nước Việt, sau mấy phút đối chiếu với hình trong sách tôi nhận ra những đồng tiền tôi có trong tay là đồng tiền cổ nhất Việt Nam.

Đồng Thái Bình Hưng bảo ông Son khai quật được khi triển khai khu Tràng An cổ

Ngoài ra ở đây còn khá nhiều cổ vật như những viên gạch Đại Việt Quốc Vương Thành Chuyên (gạch xây thành nước Đại Việt) - những viên gạch lớn hình hoa sen để lát vương phủ, gạch Giang Tây… Điều đặc biệt làm tôi xúc động là tìm thấy cả ngàn bát đĩa bị đập bỏ, một dấu ấn đau lòng trong lịch sử của triều Đinh. Số bát đĩa đó chính là do quân sĩ triều Đinh đập bỏ sau khi uống chén rượu thề rồi cùng tự tử tập thể khi Lê Đại Hành lên ngôi với một ý niệm "bề tôi trung thành không thờ 2 vua". Ông tâm sự, đó là một nỗi đau mà có lẽ con cháu đời sau sẽ không bao giờ có thể hiểu được về giai đoạn lịch sử đầu tiên của triều đại đánh dấu nhà nước Việt Nam tự chủ, độc lập.

 Khi xem cả một phòng cố vật trưng bày tôi có một thắc mắc: Làm thế nào để có nhiều loại cổ vật trưng bày thế này khi mà chúng toàn ở tận sâu đâu đó dưới lòng đất?

 (Ông Son cười lớn): Cô đã từng thấy các máy hút bùn, nạo vét sông hoạt động hồi thực hiện dự án rồi. Hồi nạo vét sông Sào khê, trước mỗi ống hút bùn tôi cho đá chặn lại các vật rắn, nặng lưu lại và thu một số vật dụng sành, gạch, cối đá… và đồng tiền cổ chính là một điều thú vị nhất vì trước đó tôi có một giấc mơ báo cho tôi sẽ được cầm lệnh của Vua Đinh Tiên Hoàng, sáng ra vườn như thường lệ thăm vật bị chặn lại của máy hút bùn thì tay tôi chạm vào một vật mỏng manh, lạnh toát, cạy lớp đất sét theo, tôi thấy đồng tiền cổ trên tay và nhớ ra giấc mơ đêm trước. Đây không phải là đồng tiền đầu tiên tôi tìm thấy nhưng nó làm cho tôi một cảm giác khác lạ, nó chính là đồng tiền kể trên.

Diện tích của khu du lịch sinh thái Tràng An là 2.168ha, nằm trên địa bàn 8 xã thuộc huyện Hoa Lư. Chỉ tính riêng số hang xuyên thuỷ như hang Địa Linh (1.500m), hang Sinh Dược (1.300m), hang Mây (1.200m), hang Tối, hang Sáng, hang Sơn dương… đã được khảo sát là 48 hang với tổng chiều dài 12.226m. 

Trong cuốn sách Cổ vật Việt Nam giáo sư sử học Trần Quốc Vượng viết: “Cho tới nay mọi người đều thừa nhận rằng đồng tiền đầu tiên tròn lịch sử nước ta được đúc dưới thời Đinh Tiên Hoàng (968-980)… Căn cứ vào sách Quan tự đắc trai tùng thư mà biết rằng đồng tiền có chữ Đinh ở phía lưng là tiền Thái Bình Hưng bảo của nhà Đinh nước ta. Bành Tiến Uy, trong bản Niên biểu những sự kiện lớn trong lịch sử hoá tiền tệ Trung Quốc cũng có ghi: Năm 970 Đinh Bộ Lĩnh ở Việt Nam đúc tiền Thái Bình Hưng bảo.

Về mặt hình dáng đồng tiền Thái Bình Hưng bảo khác hẳn các loại tiền Trung Quốc với niên hiệu này, do vậy vấn đề đồng tiền Thái Bình Hưng bảo là sản phẩm đúc thời Đinh Tiên Hoàng không còn điều gì đáng phải bàn thêm. Tiền Thái Bình Hưng bảo đúc bằng đồng, tiền tròn lỗ vuông, có gờ nổi viền mép và viền lỗ cả ở mặt tiền lẫn lưng tiền. Chữ đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải”.

 Ông kỳ vọng gì về tương lai của khu du lịch Tràng An Cổ hiện nay?

 Khu vực này còn rất nhiều nơi tiềm năng chưa khai thác được ví dụ như Thung khỉ, Thung cò… mà tôi ước sẽ mua thêm cả trứng cò về ấp và trong vé du lịch trích ra sẽ có thức ăn kèm theo cho du khách đãi các động vật hoang dã và tiếp xúc gần gũi với chúng. Việc này hiện nay chúng tôi chưa làm được. Nguồn khách biết đến khu vực Tràng An cổ còn hạn chế do chúng tôi chưa quảng cáo và khu du lịch chung rất rộng lớn, khách theo “tua” chỉ đến khu du lịch sinh thái Tràng An và Bái Đính là đã hết ngày rồi. Khách đi lui vào trong trên đường vào khu thờ tự cũ thờ Vua Đinh, Lê cũng có khi ghé qua nhưng nhiều người không biết tới. Cho đến hè năm vừa rồi khách ngoại quốc của các công ty du lịch, nhóm nhỏ, gia đình đã đến tăng dần. Sự thành kính, thích thú, thán phục của du khách là một động lực lớn cho chúng tôi đầu tư công sức, tiền của phát triển khu du lịch, tuy nhiên công ty chúng tôi qui mô còn nhỏ bé lắm!

Chia tay ông Son, tôi muốn nói với ông một điều rằng cái gì cũng bắt đầu từ nhỏ rồi mới đến lớn. Nhưng vấn đề cũng không hẳn công ty nhỏ hay lớn mới quan trọng, điều quan trọng là cái tâm, cái chí lớn của người chủ doanh nghiệp và điều ấy ông Son đã có. Với tâm huyết và trách nhiệm của ông trước Tràng An Cổ chắc chắn anh linh của tổ tiên và các vị tiền bối sẽ phù hộ cho hoạt động của ông, giúp ông khơi dậy lòng tự hào về lịch sử oai hùng và truyền thống của cha ông bằng chính khu du lịch tâm linh lịch sử này.

Có thể bạn quan tâm