130 ngân hàng trung ương toàn cầu thử nghiệm tính khả thi của tiền số

Sự thúc đẩy toàn cầu đối với tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương diễn ra khi việc sử dụng tiền mặt suy giảm và các nhà chức trách tìm cách ngăn ngừa mối đe dọa từ bitcoin và các công ty Big Tech…
130 ngân hàng trung ương toàn cầu thử nghiệm tính khả thi của tiền số

Theo một nghiên cứu của tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương mới được công bố, có tổng cộng 130 quốc gia, đại diện cho 98% nền kinh tế toàn cầu, hiện đang khám phá các phiên bản kỹ thuật số cho tiền tệ quốc gia, với gần một nửa đang trong giai đoạn phát triển, thử nghiệm hoặc thí điểm.

Phần lớn các quốc gia trong nhóm G20, ngoại trừ Argentina, trong 6 tháng qua đều đã có những bước tiến nhất định. 

Trong khi đó, 11 quốc gia, bao gồm Nigeria và một số ở vùng Carbbean, đã chính thức ra mắt các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC). Trong khi thử nghiệm thí điểm ở Trung Quốc hiện đã đạt tới 260 triệu người dùng và bao gồm 200 kế hoạch sử dụng từ thương mại điện tử cho đến các khoản thanh toán kích thích của chính phủ. 

2 nền kinh tế mới nổi lớn khác là Ấn Độ và Brazil cũng có kế hoạch tung ra các loại tiền số vào năm tới. Ngân hàng Trung ương châu Âu đang trên đà chuẩn bị cho dự án thí điểm đồng Euro kỹ thuật số trước khi có thể giới thiệu mở rộng vào năm 2028. 20 quốc gia khác cũng sẽ thực hiện các bước tương tự trong việc đẩy mạnh thử nghiệm thực tế. 

Tuy nhiên, tại Mỹ, tiến trình về đồng USD kỹ thuật số mới chỉ được nâng cấp đối với phiên bản bán buôn (từ ngân hàng sang ngân hàng), nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, trong khi nghiên cứu về phiên bản bán lẻ để đại đa số dân chúng sử dụng lại bị đình trệ.

Vị thế quan trọng của đồng USD trong hệ thống tài chính thế giới có nghĩa là bất kỳ động thái nào của Mỹ đều có khả năng gây ra một hậu quả to lớn, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố vào tháng 1 rằng Quốc hội, chứ không phải Fed, nên quyết định xem có tung ra phiên bản tiền tệ kỹ thuật số hay không.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho các quan chức chính phủ đánh giá rủi ro và lợi ích của việc tạo ra đồng USD kỹ thuật số vào tháng 3/2022.

tiền số

Sự thúc đẩy toàn cầu đối với tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương diễn ra khi việc sử dụng tiền mặt suy giảm và các nhà chức trách tìm cách ngăn ngừa mối đe dọa từ bitcoin và các công ty Big Tech. 

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga hay Venezuela trong những năm gần đây là một động lực khác khiến họ, và ngay cả châu Âu - một đồng minh lâu năm của Mỹ, cũng muốn đảm bảo rằng thế giới có một giải pháp thay thế cho Visa, Mastercard và mạng thanh toán Swift.

“Kể từ cuộc chiến Nga - Ukaine và phản ứng trừng phạt của G7, các dự án phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương đã tăng gấp đôi”, Hội đồng Đại Tây Dương chỉ ra, đồng thời cho biết thêm rằng hiện có 12 dự án xuyên biên giới, đa quốc gia đang được thực hiện.

Đến nay, Thụy Điển vẫn là một trong những nước tiên tiến nhất châu Âu trong thí điểm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh đang tiếp tục nghiên cứu về một đồng bảng Anh kỹ thuật số có thể được sử dụng vào nửa sau của thập kỷ này.

Australia, Thái Lan, Hàn Quốc và Nga đều có ý định đẩy mạnh thử nghiệm mở rộng trong năm nay.

Tuy nhiên, bất chấp sự quan tâm ngày càng tăng đối với tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, thì một số quốc gia đã triển khai chúng - chẳng hạn như Nigeria - lại chứng kiến ​​kết quả đáng thất vọng, trong khi Senegal và Ecuador đều hủy bỏ kế hoạch phát triển của mình. 

Có thể bạn quan tâm