ADB: ASEAN cần củng cố vị thế trong các chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong báo cáo mới đây, ngân hàng ADB khảo sát những thách thức và cơ hội đang đặt ra cho các chuỗi giá trị toàn cầu ở Đông Nam Á khi các quốc gia tìm cách xây dựng khả năng chống chịu lớn hơn và thúc đẩy phát triển bền vững…
chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo nhận định trong báo cáo "ASEAN và các chuỗi cung ứng toàn cầu: Xem xét khả năng chống chịu và tính bền vững" của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ASEAN cần tăng cường vị thế của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm thúc đẩy khả năng chống chịu trước những thách thức mới, bao gồm cả đại dịch trong tương lai, bất ổn địa chính trị và biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, các nền kinh tế ASEAN vẫn đang đối mặt với thách thức và nguy cơ cao. Những cú sốc toàn cầu gần đây và chủ nghĩa bảo hộ thương mại địa chính trị có thể làm gián đoạn tăng trưởng ở ASEAN nói riêng và thế giới nói chung.

Báo cáo của ngân hàng ADB nhận thấy, lợi thế cạnh tranh của việc sử dụng lao động tay nghề thấp đang dần mất đi, khi công nghệ mới tiếp tục được nâng cấp. Do vậy, điều cấp thiết hiện nay là thúc đẩy xây dựng một lực lượng lao động đông đảo được trang bị công nghệ và các kỹ năng công nghệ mới.

Chủ tịch ngân hàng ADB, ông Masatsugu Asakawa, chia sẻ: “Khi các quốc gia ASEAN tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19, chúng ta phải bảo đảm rằng việc khôi phục kinh tế diễn ra theo cách thức xanh và bền vững hơn”. 

“Báo cáo ASEAN và các chuỗi cung ứng toàn cầu: Xem xét khả năng chống chịu và tính bền vững đề xuất những biện pháp cụ thể mà các chính phủ và doanh nghiệp có thể áp dụng để giảm phát thải các-bon trong các chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Asakawa cho biết thêm. 

Lãnh đạo ngân hàng ADB nhấn mạnh, hoạt động đầu tư cho năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng tốc quá trình số hoá cùng các cơ chế khuyến khích để giảm chi phí giao dịch cho hàng hóa thông minh với khí hậu… đều có thể góp phần tạo nên những chuỗi giá trị toàn cầu bền vững hơn ở ASEAN và những nơi khác.

Cụ thể, nền kinh tế ASEAN cần đặt trọng tâm cho chiến lược “xanh hóa”. Lý tưởng nhất là các chính sách thúc đẩy phi các-bon hóa, đồng thời tăng tốc số hóa thương mại và thúc đẩy thương mại thông minh với khí hậu, cơ sở hạ tầng giao thông xanh, và định giá các-bon. 

Có thể bạn quan tâm