Amazon bước vào cuộc chơi mới, đẩy mạnh trải nghiệm cửa hàng truyền thống

Amazon chuẩn bị ra mắt một cửa hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe đầu tiên tại Milan (Italy), đánh dấu bước thử nghiệm mới trong chiến lược kết hợp bán lẻ truyền thống với thế mạnh trực tuyến…

Cửa hàng Amazon Parafarmacia & Beauty tại Milan (Italy)

Amazon đang chuẩn bị khai trương một cửa hàng chuyên về sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tại Milan (Italy). Đây là thử nghiệm mới nhất của công ty trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống. Theo bài đăng trên blog của Amazon, cửa hàng này nằm ở trung tâm thành phố Milan, cung cấp nhiều sản phẩm làm đẹp, chăm sóc cá nhân và cả thuốc không kê đơn.

Cửa hàng, có tên Amazon Parafarmacia & Beauty, sẽ chính thức mở cửa đón khách vào 12/2.

Cửa hàng sẽ bày bán sản phẩm từ các thương hiệu làm đẹp và chăm sóc da nổi tiếng như La Roche-Posay, Eucerin và Vichy. Đặc biệt, tại cửa hàng còn có các quầy "Derma-bars", nơi khách hàng có thể thực hiện phân tích da kỹ thuật số miễn phí để xác định loại da và tình trạng da của mình, đồng thời nhận tư vấn sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, cửa hàng còn có đội ngũ dược sĩ tư vấn trực tiếp giúp khách hàng có thể mua các loại thuốc không kê đơn.

Với việc ra mắt cửa hàng "parapharmacy" đầu tiên, “gã khổng lồ” thương mại điện tử kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công từ lĩnh vực kinh doanh trực tuyến sang thị trường bán lẻ thực tế trong ngành hàng làm đẹp và chăm sóc cá nhân.

Các sản phẩm thuộc danh mục này là một trong những nhóm hàng phát triển nhanh nhất trên nền tảng Amazon. Amazon bắt đầu cung cấp sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe từ năm 2000, nhưng ban đầu chủ yếu tập trung vào các thương hiệu phổ thông. Về sau, Amazon mở rộng hợp tác với nhiều thương hiệu cao cấp hơn như Estée Lauder và La Mer.

Mô hình cửa hàng mới này cũng là một phần trong chiến lược thử nghiệm bán lẻ trực tiếp của Amazon. Trước đây, công ty đã mở và sau đó phải đóng cửa tất cả các hệ thống nhà sách, pop-up, Amazon 4-star và cửa hàng thời trang.

Hệ thống cửa hàng tiện lợi Amazon Go cũng bị thu hẹp, với một chi nhánh tại California cũng vừa đóng cửa vào tháng trước. Trong lĩnh vực thực phẩm, Amazon hiện sở hữu chuỗi siêu thị Whole Foods và chuỗi tạp hóa Fresh.

Nhìn lại quá khứ, trong hơn hai thập kỷ kể từ khi thành lập vào năm 1994, Amazon chủ yếu tập trung vào thương mại điện tử. Tuy nhiên, công ty vẫn luôn đề cao giá trị và tầm quan trọng của chiến lược bán lẻ đa kênh, trong đó kết hợp cả cửa hàng truyền thống và cửa hàng trực tuyến.

Các cửa hàng vật lý thường mang đến cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ một cách trực quan, điều mà môi trường trực tuyến chưa thể đáp ứng. Mô hình này cũng phù hợp với xu hướng cá nhân hoá, theo sát thị hiếu và đặc điểm nhân khẩu học của từng cộng đồng địa phương.

Bên cạnh đó, khi các đối thủ lớn như Walmart và Target đều duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở cả hai kênh bán lẻ, Amazon cần phát triển mô hình để duy trì lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

Việc mở rộng hệ thống cửa hàng truyền thống của Amazon không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển thương hiệu và tăng trưởng doanh số, mà còn giúp công ty thu thập thêm dữ liệu về hành vi mua sắm, nâng cao lòng trung thành của khách hàng và củng cố vị thế cạnh tranh lâu dài.

Có thể bạn quan tâm