Amazon Business: "Át chủ bài" của Amazon thời Covid-19?

Thị trường quốc tế chiếm hơn 25% doanh thu của Amazon. Gã khổng lồ về TMĐT hiện đang kiểm soát phần lớn hoạt động bán lẻ trực tuyến ở Tây Âu và Nhật Bản.
Amazon Business: "Át chủ bài" của Amazon thời Covid-19?

Trong khi đó, ở những nơi mà hãng này chưa thể vận hành thị trường trực tuyến một cách chính thức cũng đang mở ra những thách thức và cơ hội to lớn. Những cơ hội đó có thể là một lĩnh vực chẳng liên quan gì đến việc bán lẻ trực tuyến.

Thị trường quốc tế luôn là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Amazon. Trong 2 năm 2018 và 2019, thị trường bên ngoài Hoa Kỳ chiếm hơn một phần tư doanh thu của Công ty (không bao gồm doanh thu quốc tế của Amazon Web Services - đơn vị điện toán đám mây). Cho dù thị trường trực tuyến quốc tế mới mở cũng đã kéo một phần lợi nhuận đi xuống. Mặt khác, Amazon còn đang phải thực hiện cam kết đầu tư một khoản chi 5,50 tỷ USD vào thị trường Ấn Độ.

Tăng trưởng bán lẻ trực tuyến giảm

Doanh số phân khúc quốc tế tăng 13,4% trong năm 2019 lên 74,723 tỷ USD từ 65,866 tỷ USD của năm 2018, Amazon vẫn phải báo cáo một khoản lỗ lên đến 1,69 tỷ USD trong các hoạt động quốc tế của mình. Mặc dù vậy, tín hiệu tốt là con số này đã giảm so với khoản lỗ 2,14 tỷ USD vào năm 2018 và 3,06 tỷ USD vào năm 2017.

Theo ước tính của Digital Commerce 360, Amazon chiếm 9,8% doanh số bán hàng trực tuyến Châu Âu vào năm 2019, bao gồm cả những hàng hóa mà Amazon tự kinh doanh cùng với số hàng của người bán trên sáu trang web của hãng này tại thị trường Châu Âu. Điều đó khiến Amazon trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất tại châu lục này. Để so sánh, hai nhà bán lẻ có trụ sở tại Châu Âu được xếp hạng hàng đầu là Otto Group của Đức (số 1 trong Digital Commerce 360 Europe 500) và Sainsbury của Anh (số 2) cũng chỉ chiếm khoảng 1,2% doanh số bán lẻ trực tuyến trong năm 2019 của thị trường bán lẻ trực tuyến châu Âu. Dễ thấy, doanh số của cả 2 mới bằng một phần tám tổng doanh số của Amazon tại thị trường này.

Amazon tuyên bố đang vận hành trang web thương mại điện tử số 1 ở Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha và thu hút 290 triệu lượt người truy cập mỗi tháng vào các trang web ở châu Âu của mình. Đồng thời hãng này cũng dẫn đầu về thương mại điện tử ở Nhật Bản, nơi nó chiếm 22,9% doanh số bán hàng trực tuyến vào năm 2019. Tại đây, Amazon đang là một trong hai công ty thương mại điện tử thống trị quốc gia cùng với Rakuten Ichiba có trụ sở tại Nhật Bản.

Nhưng có vẻ như triển vọng về sự tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến quốc tế của Amazon đang còn nhiều hạn chế cho dù nó đã vận hành một thị trường trực tuyến tại 14 trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội. Nó cũng có thị trường ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Singapore, những quốc gia không nằm trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, Amazon thực sự vẫn đang gặp khá nhiều trở ngại ở những thị trường lớn như: Trung Quốc, Nga, Ả rập Xê Út, Hàn Quốc và Indonesia...

Amazon Business - Một triển vọng tươi sáng với quy mô toàn cầu?

Ra mắt vào năm 2015, Amazon Business là dịch vụ mua sắm trực tuyến dành cho DN với DN (B2B). Nó phát triển nhanh chóng ở Hoa Kỳ và hiện đang hoạt động ở 9 trong số 16 quốc gia nơi Amazon có thị trường. Lưu ý, khái niệm B2B ở đây còn bao gồm cả những DN trong vai trò là những “người dùng cuối”. Chẳng hạn như những khách hàng cần mua sắm hàng hóa số lượng lớn phục vụ cho nhu cầu của cơ quan như: bệnh viện, trường học, các tổ chức xã hội...

Đối với dịch vụ Amazon Business, hãng này cũng đã xây dựng một chương trình phục vụ cho những khách hàng thân thiết (ABP- Amazon Business Prime) cực kỳ thành công dành cho người bán B2B. Giống như phiên bản dành cho người tiêu dùng thân thiết (Prime Account), Business Prime cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí và nhiều tính năng dành riêng cho DN như công cụ phân tích chi tiêu cho người mua và cả dịch vụ tư vấn cho người bán.

Hiện tại, Business Prime mới chỉ khả dụng ở năm quốc gia là: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Đức và Canada. Việc mở rộng chương trình đó sang bốn quốc gia khác nơi Amazon Business hoạt động như: Ấn Độ, Pháp, Ý và Tây Ban Nha vẫn còn đang ở mức độ thử nghiệm. Trong chiến lược của mình, Business Prime sẽ được coi là một tính năng cốt lõi của Amazon Business ở tất cả các quốc gia nơi nó hoạt động.

Một số nhà phân tích tin rằng Amazon mới chỉ gặt hái được những khai thác ban đầu từ những gì họ mong muốn trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B. Hiện tại sản xuất vẫn đang có xu hướng tập trung vào tay các công ty lớn, trong khi bán buôn và phân phối thường là lĩnh vực có lợi thế của nhiều công ty nhỏ trong mỗi khu vực. Điều đó mang đến cơ hội to lớn cho Amazon khi họ đang có lợi thế về công nghệ để dùng internet như là một công cụ tiếp cận khách hàng ở quy mô toàn cầu. Và việc triển khai công nghệ sẽ giúp không chỉ Amazon mà cả những DN tham gia vào việc bán hàng B2B sẽ tiết kiệm những chi phí không cần thiết.

Với tính năng Amazon Business, hãng này đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội và các nhà phân tích đã nhận thấy sự tăng trưởng nhanh chóng ở phía trước.

Applicationo Inc., một công ty tích hợp dịch vụ công nghệ và thị trường B2B, dự đoán rằng Amazon Business sẽ đạt doanh thu 75 tỷ USD vào năm 2023, bao gồm các sản phẩm được bán bởi chính Amazon và của những nhà bán hàng bên ngoài trên Amazon Marketplace. Đến năm 2021, các phân tích cũng đưa ra dự đoán Amazon Business sẽ là nhà phân phối các sản phẩm công nghiệp lớn nhất của Hoa Kỳ.

Doanh số bán hàng trên Amazon Business đang tăng ở mức 35% mỗi năm. Thị trường bán lẻ ngoại tuyến với doanh số khoảng 22 nghìn tỷ đô sẽ phải được chia sẻ với các công ty thương mại điện tử trên toàn thế giới. Nhưng 59 nghìn tỷ USD trong các giao dịch B2B ngoại tuyến là một mục tiêu đầy hấp dẫn mà những kẻ đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử như Amazon không thể bỏ qua. Đặc biệt Amazon Business đã chứng minh được sự thành công một cách chắc chắn ở Hoa Kỳ.

Đăng Duy

Chuyên gia nghiên cứu thị trường Thương mại điện tử

Có thể bạn quan tâm