Cổ phiếu của Amazon đã chứng kiến mức tăng " ít ỏi" chỉ 2,4% trong năm 2021, kém hơn hẳn so với 4 cổ phiếu khác trong nhóm FAANG (Facebook - Apple - Amazon - Netflix - Google). Cổ phiếu Apple đã tăng 34%, Meta Platforms (Facebook) tăng 23%, Netflix thêm 11% và Alphabet (Google) - cổ phiếu công nghệ hàng đầu của năm đã tăng 65%.
Lần cuối cùng Amazon mang lại lợi nhuận “thảm hại" như vậy cho các nhà đầu tư là năm 2014, khi cổ phiếu sụt giảm 22%
Theo các nhà phân tích, có một số yếu tố gây ảnh hưởng đến đà tăng của cổ phiếu Amazon vào năm ngoái.
Amazon, giống như các công ty thương mại điện tử khác, đã có một năm 2020 cực kỳ thành công do đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới tạo cơ hội phát triển thị trường mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng “đổ xô” đến các nhà bán lẻ trực tuyến cho mọi thứ, từ giấy vệ sinh và khẩu trang cho đến đồ nội thất văn phòng và thiết bị tập thể dục… Điều này giúp đẩy mạnh doanh số bán hàng cho Amazon, eBay, Etsy, Wayfair…, mang lại lợi ích cho tốc độ tăng trưởng lớn và nâng giá cổ phiếu của họ lên những con số lý tưởng. Lợi nhuận của Amazon đã tăng gấp ba lần bắt đầu từ quý hai năm 2020, giai đoạn đầu tiên phản ánh sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 và tiếp tục “rực rỡ” trong 3 quý tiếp theo đó.
Tuy nhiên, kể từ mùa xuân 2021, khi ngày càng có nhiều người được tiêm phòng vaccine Covid-19, các hoạt động tiêu dùng truyền thống tại cửa hàng thực và các thói quen trước đây như ăn uống bên ngoài, đi du lịch … đã dần quay trở lại.
Mặc dù hoạt động mua sắm trực tuyến vẫn phát triển mạnh mẽ, Amazon đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng của mình bắt đầu giảm dần. Trong Quý 2/2021, doanh thu của Amazon chỉ tăng 27% - giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 khi doanh số bán hàng tăng vọt 41%.
Những lo ngại của nhà đầu tư về việc tăng chi phí trong hoạt động kinh doanh bán lẻ cốt lõi của Amazon cũng có thể góp phần vào hoạt động kém hiệu quả của cổ phiếu, ông Tom Forte - nhà phân tích tại D.A Davidson cho biết.
Amazon đã “cảnh báo” Phố Wall trong phần lớn năm 2020 và 2021 rằng họ sẽ chi hàng tỷ USD cho các chi phí liên quan đến Covid-19, như các biện pháp an toàn cho nhân viên tuyến đầu và phát triển mạng lưới cửa hàng vật lý của mình để theo kịp nhu cầu.
Sau đó, ngay khi các chi phí liên quan đến Covid-19 bắt đầu giảm vào giữa 2021, Amazon và các tập đoàn lớn khác đã phải đối mặt với những hạn chế của chuỗi cung ứng toàn cầu và những thách thức về lực lượng lao động. Giám đốc điều hành Andy Jassy cho biết Amazon sẽ phải gánh thêm “vài tỷ USD” chi phí bổ sung trong quý 4 năm 2021 để giải quyết những vấn đề đó.
Theo đó, Amazon tăng lương và đưa ra mức tiền thưởng hậu hĩnh để thu hút người lao động trong một thị trường lao động eo hẹp tại Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây. Đối mặt với số lượng nhân viên không ổn định ở một số kho hàng lớn, Amazon đã phải định tuyến lại các đơn hàng tới khoảng cách xa hơn và đôi khi tốn kém chi phí hơn đến các cơ sở có đủ nhân viên xử lý đơn hàng.
“Tất cả chúng ta đều biết rằng, có những vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thật bất ngờ đối với tôi khi nhận ra rằng họ đang gặp thách thức về lao động”, ông Forte nói. “Đó là một bất ngờ tiêu cực và tôi nghĩ nó ảnh hưởng đến đà tăng của cổ phiếu.”
Hy vọng cho năm 2022
Sau năm 2021 mờ nhạt, cổ phiếu của Amazon có thể sẽ có được một bước tiến tích cực hơn trong năm nay.
Nhà phân tích Seth Sigman của Guggenheim cho biết, Amazon có thể bắt đầu thu lợi từ một số khoản đầu tư vào chuỗi cung ứng và hậu cần trong hai năm qua, ông Sigman nhận xét. “Kỳ vọng của chúng tôi là đà tăng trưởng sẽ quay trở lại vào năm 2022 sau hiệu quả của sự điều tiết được thấy trong vài quý vừa qua”.
Bên cạnh đó, ông Tom Forte nhận định, sẽ vẫn còn nhiều khó khăn từ năm ngoái gây tác động đến cổ phiếu của Amazon, chẳng hạn như áp lực lạm phát, các ràng buộc của chuỗi cung ứng và thách thức lao động. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã gọi Amazon là lựa chọn hàng đầu trong năm, bao gồm Jefferies, Bank of America Global Research, RBC Capital Markets và Goldman Sachs, với lý do kỳ vọng về sự phục hồi trong kinh doanh thương mại điện tử của họ.