Ấn Độ đánh thuế xuất khẩu 40%, giá hành tây toàn cầu được dự đoán sẽ tăng cao

Với việc Ấn Độ đánh thuế xuất khẩu hành tây lên đến 40%, các nhà phân tích đang xem xét tác động đối với thị trường toàn cầu, đặc biệt ở các nhà nhập khẩu lớn…

Một người bán đang phân loại hành tây tại chợ rau ở thành phố New Delhi, Ấn Độ
Một người bán đang phân loại hành tây tại chợ rau ở thành phố New Delhi, Ấn Độ

Bộ Tài chính Ấn Độ mới đây đã công bố về một khoản thuế bổ sung đối với xuất khẩu hành tây, được đưa ra nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung dự trữ và làm dịu lạm phát thực phẩm trong nước. Mức thuế mới lên đến 40% sẽ có hiệu lực ngay lập tức cho đến hết ngày 31/12/2023.

Theo dữ liệu do CRISIL cung cấp, Ấn Độ là nước xuất khẩu hành tây lớn nhất thế giới và đóng góp hơn 12% thương mại hành tây toàn cầu.

“Giá hành tây toàn cầu sẽ chịu một số áp lực nhất định từ quyết định này. Trong đó, Bangladesh, Malaysia, Sri Lanka và một số khu vực ở Trung Đông phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Ấn Độ, sẽ chứng kiến giá thành biến động trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức giá cao sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn bởi nguồn cung có thể được cải thiện vào cuối năm nay”, ông Pushan Sharma, giám đốc nghiên cứu tại CRISIL Market Intelligence and Analytics nói với CNBC.

Tại Ấn Độ, hành tây là một loại lương thực không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày và được sử dụng trong các món ăn truyền thống Nam Á như biryani. Cùng với cà chua và khoai tây, ba loại rau củ này là một phần trong rổ CPI của quốc gia. Năm 2019, Ấn Độ từng cấm xuất khẩu hành tây sau khi thu hoạch giảm do lượng mưa quá nhiều.

Giá bán lẻ hành tây ở Ấn Độ đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trung bình ở mức 30,72 rupee (~9 nghìn đồng) mỗi kg vào ngày 19/8, cao hơn so với 20,44 rupee (~6 nghìn đồng) vào năm 2022, dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho thấy.

“Nguyên do của sự tăng giá phần lớn là bởi suy giảm nguồn cung. Lượng mưa lớn trong tháng 7 năm nay tại các khu vực sản xuất chính là Maharashtra và Karnataka đã dẫn đến thiệt hại cho các vụ hành tây”, ông Pushan Sharma giải thích.

Trong khi đó, lạm phát của Ấn Độ trong tháng 7 đạt mức cao nhất trong 15 tháng là 7,44% so với một năm trước, phần lớn là do chi phí thực phẩm trong nước tăng đột biến. Cụ thể, quốc gia Nam Á này đang phải vật lộn với tình hình giá rau, trái cây và ngũ cốc đều ở mức cao. Giá cà chua tại Ấn Độ đã tăng vọt hơn 300% do thời tiết bất lợi. Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ vào tháng 7 cũng đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati nhằm đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.

“Chính phủ muốn kiềm chế giá và đảm bảo có đủ hàng cho thị trường trong nước. Nhất là khi gió mùa đến muộn cũng ảnh hưởng đến mùa màng hiện nay”, ông Samarendu Mohanty, giám đốc khu vực châu Á của công ty nông nghiệp International Potato Center (CIP) lưu ý.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…