Ấn Độ thử nghiệm thành công đầu đạn tên lửa siêu thanh

Cơ quan nghiên cứu quân sự Ấn Độ (DRDO) đã thử nghiệm thành công một phương tiện bay thử nghiệm, được thiết kế để bay với tốc độ lớn hơn Mach-6, là nền tảng phát triển công nghệ cho tên lửa hành trình siêu thanh trong tương lai.

Phương tiện bay thử nghiệm được phóng ngày 7/9/2020 từ Tổ hợp công trình phóng tên lửa Abdul Kalam tại đảo Wheeler ngoài khơi bờ biển Odisha, đánh dấu chuyến bay thử nghiệm thành công lần thứ hai.

Cuộc thử nghiệm trước đó diễn ra vào tháng 6/2019, nhiều thông tin mạng xã hội tuyên bố thử nghiệm chỉ thành công một phần, có một số vấn đề kỹ thuật với tên lửa đạn đạo vận tải Agni-I, được sử dụng để cung cấp cho phương tiện thử nghiệm tốc độ bay cần thiết ban đầu.

Phương tiện bay Thử nghiệm Công nghệ Hypersonic (HSTDV) được lắp động cơ phản lực dòng khí thẳng. Đây là hệ thống động cơ đẩy yêu cầu luồng không khí chạy qua với tốc độ siêu thanh để duy trì quá trình đốt cháy nhiên liệu. Giải pháp công nghệ này cho phép phương tiện bay di chuyển với tốc độ rất cao. Nhưng vì thế động cơ này cũng có những thách thức nghiêm trọng về thiết kế và chế tạo.

Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) cho biết, cuộc thử nghiệm khẳng định phương thức tiếp cận của Ấn Độ để phát triển hệ thống vũ khí tiên tiến.

Các công nghệ quan trọng hiện đã được chứng minh thành công là “cấu hình khí động học cho động cơ siêu âm, sử dụng động cơ đẩy scramjet trong quá trình đốt nhiên liệu và giữ ổn định trong dòng khí siêu âm, đặc điểm cấu trúc nhiệt của vật liệu nhiệt độ cao, cơ chế tách vật thể bay ở vận tốc siêu âm, v.v.”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết, dự án hiện đã sẵn sàng để chuyển sang giai đoạn phát triển tiếp theo thành vũ khí hiện đại.

Công nghệ Scramjet đang được các cường quốc quân sự Mỹ, Nga và Trung Quốc khai thác và phát triển cho mục đích quân sự.

Có thể bạn quan tâm