Lệnh trừng phạt Nga được Thủ tướng Anh Rishi Suna đã công bố hôm 18/5. Ông Sunak bày tỏ hy vọng, những biện pháp này sẽ hạn chế hoạt động xuất khẩu kim cương và nhiều mặt hàng khác như đồng, nhôm và niken, trị giá hàng tỷ đôla của Nga cũng như trừng phạt những cá nhân và doanh nghiệp bị London cáo buộc thuộc “tổ hợp công nghiệp quân sự hoặc liên quan đến các lĩnh vực đem lại nguồn thu then chốt cho Nga như năng lượng, vận tải…”.
Động thái mới dựa trên các biện pháp trừng phạt hiện có của London, vốn đã đưa công ty khai thác mỏ quốc doanh Alrosa và các mặt hàng kim loại thuộc thế mạnh xuất khẩu của Nga như sắt và thép vào “danh sách đen”. Nhà chức trách xứ sở sương mù trước đây cũng đã tăng thuế nhập khẩu kim cương xuất xứ từ Nga lên 35%.
Anh là một trong những quốc gia áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất nhằm vào Nga. Chính phủ nước này đã đưa hơn 1.500 cá nhân và tổ chức, đóng băng hơn 22 tỷ USD tài sản của Nga và hạn chế hơn 24 tỷ USD giao thương với Moscow.
Theo CNBC, một số nước mua một lượng lớn kim cương của Nga như Bỉ, muốn có một “cách tiếp cận toàn cầu” đối với kim cương xuất khẩu của Nga. Điều này giúp bảo đảm các biện pháp trừng phạt không gây tổn hại quá mức đối với họ. Kim cương chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu của Bỉ và tạo ra khoảng 30.000 việc làm ở thành phố cảng Antwerp.
“Chúng ta cần thảo luận lại về biện pháp trừng phạt kim cương của Nga, vì có nguy cơ rõ ràng là Nga sẽ chuyển hướng xuất khẩu kim cương sang các nước không tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây”, Edward Gardner, nhà kinh tế của Công ty tư vấn Capital Economics nói. Ông cho rằng nếu các biện pháp trừng phạt bịt các lỗ hổng có thể giúp Nga né tránh, thì nguồn cung kim cương mà Nga đưa ra thị trường sẽ ít hơn và giá sẽ được đẩy lên mức cao hơn.
Về phần mình, ngành công nghiệp kim cương châu Âu lo ngại nguồn cung từ Nga sẽ đổ sang các thị trường khác, chẳng hạn như Dubai. Họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho món hàng hóa này trong khi vẫn không giảm được đáng kể doanh thu của Nga. Kim cương không được giao dịch phổ biến như dầu hoặc vàng, nhưng chúng đại diện cho một thị trường rộng lớn vượt ra ngoài đồ trang sức. Những viên đá này cũng được sử dụng trong lĩnh vực nha khoa, máy tính, trong số những thứ khác.
Hiện nay, kim cương thô của Nga chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ, nơi chúng được đánh bóng và có thể trộn lẫn với kim cương có nguồn gốc từ nơi khác để bán trở lại sang phương Tây. Do đó, nhóm G7 đang thảo luận về cách sử dụng công nghệ để truy tìm nguồn gốc ban đầu của từng viên kim cương đơn lẻ. Họ hy vọng cách tiếp cận này sẽ mở đường để EU cấm vận kim cương của Nga.
Hans Merket, nhà nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên tại Dịch vụ thông tin hòa bình quốc tế, một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Bỉ, cho biết việc triển khai lệnh trừng phạt đối với kim cương của Nga chỉ còn là vấn đề thời gian. “Nếu kim cương của Nga chưa xuất hiện trong gói trừng phạt sắp tới của phương Tây thì có lẽ sẽ xuất hiện vào gói trừng phạt tiếp theo”, ông nói.
Moscow cho rằng, các biện pháp trừng phạt Nga này là một phần trong cuộc chiến tranh hỗn hợp mà phương Tây phát động nhằm chống lại Nga, song đã thất bại.