Trung Quốc đã giúp kinh tế Nga thoát khỏi các đòn trừng phạt từ phương Tây như thế nào?

Trung Quốc và Nga đang tiếp tục thắt chặt mối quan hệ thương mại song phương trong bối cảnh Moscow phải chịu sự cô lập của phương Tây …
Trung Quốc đã giúp kinh tế Nga thoát khỏi các đòn trừng phạt từ phương Tây như thế nào?

Kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine xảy ra, Moscow đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây và tách biệt với phần lớn nền kinh tế toàn cầu. Nhưng Trung Quốc, quốc gia tuyên bố không có giới hạn đối với tình hữu nghị láng giềng, đã mang lại cho Điện Kremlin một huyết mạch kinh tế, làm giảm tác động của việc Nga bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Thương mại hàng hóa giữa Nga và Trung Quốc đang ở mức kỷ lục khi quốc gia tỷ dân đẩy mạnh mua dầu và than để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng. Đồng thời, các công ty Trung Quốc đang gấp rút lấp đầy khoảng trống ở Nga khi các thương hiệu phương Tây rời khỏi nước này.  

Trung Quốc đẩy mạnh mua năng lượng của Nga

nền kinh tế Nga

Các biện pháp trừng phạt chính của phương Tây đối với Moscow bao gồm lệnh cấm bán dầu và giới hạn giá dầu thô, loại bỏ quyền truy cập vào hệ thống liên lạc tài chính SWIFT và đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga ở nước ngoài. 

Sức ép từ phương Tây đã đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái trong năm 2022, giảm 4,5% theo ước tính gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới.

Nhưng doanh thu tài chính của Moscow vẫn tiếp tục tăng lên. Điều đó chủ yếu nhờ vào giá năng lượng cao và những nỗ lực của Nga trong việc chuyển hướng xuất khẩu sang những người mua “thân thiện” khác (theo cách gọi của Điện Kremlin - pv), chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Eurasia Group, cho biết: “Trung Quốc đã hỗ trợ Nga về mặt kinh tế và tăng cường thương mại song phương. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Trung Quốc với một nước Nga đang ngày càng bị cô lập". Ông Thomas đồng thời chỉ ra rằng, tình hình hiện tại cho phép Bắc Kinh sử dụng nhiều đòn bẩy để có được nguồn cung năng lượng giá rẻ, công nghệ quân sự tiên tiến và hỗ trợ ngoại giao cho các lợi ích quốc tế của Trung Quốc.

Tổng thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt mức cao kỷ lục mới vào năm 2022, tăng 30% lên 190 tỷ USD, theo số liệu của hải quan Trung Quốc. Đặc biệt, thương mại năng lượng đã tăng lên rõ rệt kể từ tháng 2/2022. 

Trung Quốc đã mua lượng dầu thô trị giá 50,6 tỷ USD từ Nga trong khoảng tháng 3 đến tháng 12/2022, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu than tăng 54% lên 10 tỷ USD. Các giao dịch mua khí đốt tự nhiên bao gồm khí đốt đường ống và LNG, tăng vọt 155% lên 9,6 tỷ USD.

Tất nhiên, đó là một lợi ích cho cả hai phía. Đối với Nga, nước này rất cần những khách hàng mới vì mặt hàng nhiên liệu hóa thạch đang bị phương Tây xa lánh. Đối với Trung Quốc, hiện đang tập trung vào việc đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, cần năng lượng giá rẻ để cung cấp cho ngành sản xuất khổng lồ của mình.

Nga và Trung Quốc đều đang có kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác hơn nữa, bao gồm thỏa thuận giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để cung cấp thêm khí đốt cho Trung Quốc trong 25 năm tới.

Anna Kireeva, phó giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow, nhận định: “Với việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa vào năm 2023, chúng ta có thể mong đợi sự gia tăng hơn nữa xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc, bao gồm cả xăng dầu và các sản phẩm tinh chế dầu khác”.

Nhân dân tệ mang đến giải pháp thay thế USD

kinh tế Nga

Sau khi một số ngân hàng Nga bị cắt khỏi SWIFT, Moscow đã bỏ USD để lấy đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Các công ty Nga đang đẩy mạnh sử dụng nhiều nhân dân tệ hơn để tạo thuận lợi cho việc gia tăng thương mại với Trung Quốc. Theo phó giáo sư Anna Kireeva, các ngân hàng Nga cũng đã tiến hành nhiều giao dịch bằng đồng nhân dân tệ hơn để bảo vệ họ khỏi rủi ro bị trừng phạt.

Thị phần của đồng nhân dân tệ trên thị trường ngoại tệ của Nga đã tăng lên 48% vào tháng 11/2022, cao hơn rất nhiều so với mức dưới 1% vào tháng 1 cùng năm, theo truyền thông Nga dẫn lời người đứng đầu Sàn giao dịch Moscow.

Nga đã nhanh chóng trở thành trung tâm giao dịch nhân dân tệ ở nước ngoài lớn thứ ba thế giới vào tháng 7/2022, chỉ đứng sau Hồng Kông và Vương quốc Anh. Cho đến nay, Nga vẫn là một trong sáu thị trường giao dịch nhân dân tệ hàng đầu, trong khi trước năm 2022 thậm chí còn không nằm trong top 15 nước. 

Bộ tài chính Nga cũng đã tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ nhân dân tệ trong quỹ tài sản có chủ quyền của nước này lên 60%, sau khi một phần lớn tiền dự trữ bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, Reuters đưa tin. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng từng lên tiếng nhấn mạnh rằng Nga sẽ chỉ mua nhân dân tệ vào năm 2023 để nạp đầy quỹ tài sản có chủ quyền của đất nước. 

Bà Anna Kireeva giải thích: “Trong số tất cả các loại ngoại tệ mà ngân hàng trung ương Nga nắm giữ, chỉ có đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là không bị đóng băng và vẫn là một đồng tiền “thân thiện”. Chúng ta có thể thấy được xu hướng phi USD hóa hơn nữa trong ngoại thương của Nga nói chung.”

Với nhiều dự trữ nhân dân tệ, Moscow có thể sử dụng đồng tiền của Trung Quốc để ổn định đồng rúp và thị trường tài chính của nước này. Đồng rúp đã giảm hơn 40% so với đồng euro và USD trong năm qua, trong khi đó chỉ số chứng khoán chính của Nga cũng đã giảm hơn một phần ba.

Trung Quốc thế chỗ các nhà cung cấp phương Tây

kinh tế Nga

Khi các thương hiệu nước ngoài khỏi Nga, thì nước này đã nhanh chóng chi hàng tỷ USD để mua máy móc, kim loại cơ bản, phương tiện, tàu và máy bay từ Trung Quốc, báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ từ tháng 5/2022 cho thấy. 

Nga cũng cần tìm những sản phẩm để thay thế cho hàng nhập khẩu từ thị trường phương Tây, chẳng hạn như ô tô và đồ điện tử.

“Và ở khía cạnh này, Trung Quốc sở hữu năng lực công nghiệp mà khó có nhà sản xuất lớn nào khác có thể cạnh tranh,” phó giáo sư Anna Kireeva nhận xét. 

Theo dữ liệu gần đây nhất từ công ty nghiên cứu Autostat của Nga, các thương hiệu xe hơi Trung Quốc, bao gồm Havel, Chery và Geely, đã chứng kiến ​​thị phần tăng từ 10% lên 38% ở Nga trong một năm sau khi các thương hiệu phương Tây rút lui. Tỷ lệ đó có thể sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay.  

Trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, các thương hiệu Trung Quốc chiếm khoảng 40% thị trường điện thoại thông minh ở Nga vào cuối năm 2021. Nhưng chỉ một năm sau đó, họ gần như chiếm lĩnh toàn ngành với 95% thị phần, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi hoạt động kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đều thuận lợi. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc vẫn cảnh giác với các biện pháp trừng phạt thứ cấp và thận trọng hơn trong việc giao dịch với thực thể của Nga đang chịu lệnh trừng phạt của nước ngoài. 

Xem thêm

Hai ngân hàng lớn của Pháp rời khỏi Nga

Hai ngân hàng lớn của Pháp rời khỏi Nga

Crédit Agricole và BNP Paribas của Pháp cho biết họ đã chuẩn bị để ngừng tất cả các dịch vụ ở Nga, trở thành 2 ngân hàng quốc tế tiếp theo rút lui khỏi Nga kể từ khi Moscow tấn công Ukraine.

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…