Apple đang phải đối mặt với áp lực chính trị, chiến lược và nhà đầu tư để cắt giảm đáng kể sự ràng buộc sản xuất với Trung Quốc. Mối đe dọa về thuế quan xuất hiện rất lớn dưới thời chính quyền Donald Trump, và tổng thống Biden đã củng cố lập trường bằng cách chặn đứng khả năng tiếp cận của nhiều công ty Trung Quốc hơn với công nghệ tiên tiến của Mỹ, bao gồm cả chất bán dẫn.
Sự ràng buộc với Trung Quốc
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley, cũng là nhà phê bình cấp cao của công ty đã cáo buộc Apple quá phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức không còn thể hiện các giá trị cơ bản của Mỹ.
Trước đó, các chính sách nghiêm ngặt về Covid của Trung Quốc đã khiến hàng nghìn công nhân phải bỏ chạy khỏi siêu nhà máy Trịnh Châu được mệnh danh là “Thành phố iPhone” do Foxconn, đồng minh sản xuất của Apple điều hành trong một phần tư thế kỷ.
Tim Cook và Apple đã rất ít lên tiếng về sự việc này, ngoài một tuyên bố ngắn rằng họ “đang hợp tác chặt chẽ với Foxconn để đảm bảo các mối quan tâm của nhân viên của họ được giải quyết”.
Apple không chỉ thất bại trong việc hỗ trợ những công nhân biểu tình. Khi có thông tin cho rằng công dân Trung Quốc đang sử dụng AirDrop để chia sẻ thông tin, công ty đã hạn chế sử dụng công cụ chia sẻ tệp này, trong một động thái được coi là chấp nhận yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc.
Ông Hawley đã nói: “Mối quan hệ của Apple với Trung Quốc là không bền vững, cả về kinh tế và đạo đức.”
Tuy mối quan hệ này được cho là không bền vững, nó cũng gần như không thể phá vỡ. Các hoạt động mà Apple điều phối rất phức tạp và có quy mô lớn, bao gồm các trung tâm nhà máy có quy mô bằng các thành phố phía tây của Trung Quốc, đến nỗi không rõ công ty lớn nhất thế giới có bất kỳ lựa chọn khả thi nào để đại tu cách thức tung ra sản phẩm của mình.
Sự phụ thuộc của Apple vào quốc gia này cũng thể hiện hổng lớn nhất của hãng.
“Apple không thể đa dạng hóa,” một cựu kỹ sư của Apple, người được giao nhiệm vụ tìm cách tự động hóa sản xuất, cho biết. Người này cho biết nhà sản xuất iPhone đã cố gắng chuyển các hoạt động của mình ra bên ngoài Trung Quốc ít nhất là từ năm 2014, nhưng tiến trình diễn biến rất chậm.
Không có công ty Big Tech nào khác chịu ràng buộc hoạt động sản xuất với Trung Quốc nhiều như của Apple. Ngay cả gã khổng lồ Hàn Quốc Samsung, công ty duy nhất bán được nhiều điện thoại hơn Apple, cũng ít phụ thuộc hơn nhiều. Theo Counterpoint Research, Samsung hiện sản xuất hơn 3/4 số thiết bị cầm tay của mình tại 6 quốc gia từ Argentina đến Việt Nam và chưa đến 1/4 được thuê ngoài cho các nhà sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc.
Ngược lại, hầu như tất cả phần cứng của Apple đều được sản xuất tại Trung Quốc. Công ty chỉ sử dụng trực tiếp 14.000 người trong nước nhưng giám sát số giờ làm việc hàng tuần của 1,5 triệu công nhân trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, phần lớn ở Trung Quốc.
Những hoạt động khổng lồ này củng cố cho quá trình vươn lên trở thành công ty lớn nhất thế giới của Apple – công ty xuất xưởng tới 1/4 tỷ chiếc iPhone mỗi năm.
Rào cản chuyển dịch
Để tách khỏi sự ràng buộc với dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc, ứng cử viên sáng giá nhất của Apple là Ấn Độ, quốc gia được dự đoán sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay.
Apple đã sản xuất iPhone cấp thấp hơn ở Ấn Độ kể từ năm 2017 và bắt đầu sản xuất các thiết bị hàng đầu ở đó vào mùa thu năm ngoái. Công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ JPMorgan ước tính rằng Ấn Độ có thể chiếm 1/4 sản lượng lắp ráp iPhone vào năm 2025, tăng từ mức dưới 5% hiện nay.
Nhưng một số chuyên gia về chuỗi cung ứng cho rằng con số tăng trưởng trong “sản xuất” của Ấn Độ cường điệu hơn thực tế. Steven Tseng, nhà phân tích công nghệ tại Bloomberg Intelligence cho biết Pegatron và Foxconn có thể sẽ chuyển đến Ấn Độ, nhưng các nhà cung cấp của họ thì không. Ông nói: “Không có chuỗi cung ứng ở Ấn Độ. Họ phải nhập khẩu khá nhiều thứ từ Trung Quốc.”
“Cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ chưa được thiết lập tốt,” ông Steven Tseng nói thêm. “Giao thông, tiện ích, thông tin liên lạc đều có thể là vấn đề. Còn chất lượng lao động ở Ấn Độ liệu có được như ở Trung Quốc hay không còn là một dấu hỏi lớn.”
Việt Nam cũng có vẻ như là một lựa chọn thay thế hấp dẫn, đặc biệt là khi mức lương trung bình hiện nay thấp hơn một nửa so với Trung Quốc. JPMorgan ước tính rằng đến năm 2025, Việt Nam sẽ chiếm phần lớn sản lượng AirPods, 20% iPad và Apple Watch và 5% MacBook.
Nhưng các công ty khác đã chật vật với sự dịch chuyển tương tự. Sau khi công ty viễn thông Phần Lan Nokia được Microsoft mua lại vào năm 2013, các nhà máy tại Trung Quốc của công ty này đã bị đóng cửa và hoạt động sản xuất được chuyển sang Việt Nam với hy vọng cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả. Nhưng Nokia nhanh chóng gặp vấn đề với tội phạm có tổ chức, phương tiện vận chuyển không đủ để đáp ứng và thời tiết khó lường khiến các cảng thương mại phải đóng cửa.
Cựu giám đốc điều hành của Microsoft cho biết Việt Nam vẫn còn “nhiều năm nữa” mới có thể xây dựng các hoạt động cạnh tranh cho sản xuất kỹ thuật.
Người này cho biết thêm: “Chúng tôi gặp thách thức với việc tìm nguồn cung ứng linh kiện, bởi vì tất cả nguồn cung ứng cấp hai, cấp ba của chúng tôi vẫn đều ở Trung Quốc. “Vì vậy, cuối cùng chúng tôi đã vận chuyển rất nhiều hàng hóa bán thành phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam để lắp ráp cuối.”
Đồng thời, ngay cả khi Việt Nam cải thiện chất lượng hoạt động của mình, các chuyên gia chỉ ra rằng quốc gia Đông Nam Á này quá nhỏ để thực sự có thể cạnh tranh với cơ cấu hiện tại của Apple.
Trước đó, vào năm 2017, Tim Cook đã chia sẻ khi được hỏi về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple. “Chúng tôi không làm điều đó. Việc sản xuất các sản phẩm của chúng tôi đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật chuyên sâu, quản lý chuỗi cung ứng linh hoạt và các tiêu chuẩn chất lượng vượt trội." "Chúng tôi sẽ không dịch chuyển sản xuất để giảm chi phí,” ông nói thêm.
Do đó, ngay cả khi Apple đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng quốc tế, mối quan hệ của họ với Trung Quốc cũng đồng thời trở nên mạnh mẽ hơn.
JPMorgan hiện dự báo thị phần sản xuất iPhone của các công ty Trung Quốc sẽ tăng từ 7% năm 2022 lên 24% vào năm 2025.
Một số chuyên gia hiện tin rằng trình độ chuyên môn mà Trung Quốc đã phát triển rất khó thay thế nên Apple không có lựa chọn thực sự nào khác ngoài việc giữ nguyên phần lớn hoạt động sản xuất của mình và chịu thiệt hại về kinh tế và chính trị.
Chan, nhà nghiên cứu lao động của Foxconn, cũng có những nhận định tương tự khi nói đến khả năng tách khỏi nền sản xuất Trung Quốc của gã khổng lồ công nghệ. “Trung Quốc có rất nhiều lợi thế, từ những người lao động có trình độ học vấn trung bình và lành nghề cho đến những kỹ sư, tiến sĩ trình độ thực sự cao. Apple sẽ gặp quá nhiều khó khăn để tìm nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tương đương hay thậm chí gần với quy mô được cung cấp ở Trung Quốc.”