Bất chấp các lệnh cấm, Trung Quốc vẫn nhận được thiết bị của Mỹ để sản xuất chip

Theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ, các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn mua được các thiết bị của Mỹ để phục vụ cho việc sản xuất chip tiên tiến bất chấp các lệnh hạn chế xuất khẩu…

Các rào cản thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn còn nhiều lỗ hổng

Mới đây, Hạ viện Mỹ đã đưa ra một báo cáo thường niên về các hoạt động thương mại với Trung Quốc, trong đó cho thấy các công ty Trung Quốc vẫn có khả năng tiếp cận được với nhiều thiết bị sản xuất chip của Mỹ, dù cho chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố hàng loạt hạn chế xuất khẩu vào tháng 10/2022.

Những quy định hạn chế này được thực hiện nhằm mục đích ngăn cản các nhà sản xuất chip Trung Quốc tiếp cận với các công cụ hiện đại của Mỹ, đặc biệt là nếu chúng được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến - những loại chip có kích thước 14 nanomet hoặc thấp hơn.

Kể từ đầu tháng 9, các chuyên gia Mỹ đã cố gắng tìm hiểu cách thức mà Huawei áp dụng cho quá trình sản xuất chip 7 nanomet, con chip được sử dụng trong dòng điện thoại thông minh Mate 60 Pro. Có nhiều ý kiến chỉ ra rằng đối tác SMIC của Huawei đã sử dụng các thiết bị công nghệ cao của Mỹ để làm ra dòng chip 7 nanomet này.

Trên thực tế, Huawei và SMIC đều nằm trong danh sách hạn chế thương mại của Mỹ.

Nhiều giả thuyết cho thấy, SMIC có thể đã nhận được những thiết bị công nghệ cao của Mỹ trước khi quy định được ban hành vào tháng 10/2022, hoặc đã mua công cụ sản xuất thông qua một số đơn vị ở nước ngoài.

Báo cáo của Hạ viện Mỹ không đưa ra khuyến nghị cụ thể nhằm giải quyết những lỗ hổng trong các quy định nhưng thúc giục Quốc hội Mỹ yêu cầu Văn phòng Trách nhiệm Chung phải hoàn thành các đánh giá hàng năm và sau đó công khai những phân tích về tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thời gian qua, Mỹ đã nỗ lực tìm cách khắc phục các vấn đề chính sách trong mục tiêu ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các công cụ sản xuất chip công nghệ cao.

Đồng thời, chính quyền Joe Biden cũng chủ động thuyết phục đồng minh Nhật Bản và Hà Lan - hai quốc gia sở hữu nhiều thiết bị sản xuất chip quan trọng - đưa ra những hạn chế của riêng họ đối với việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn kịp thời tích trữ một số thiết bị và công cụ sản xuất chip. Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8/2023, Trung Quốc đã nhập khẩu hàng loạt máy sản xuất chip bán dẫn có giá trị lên tới 3,2 tỷ USD từ Hà Lan, tăng gần gấp đôi so với mức 1,7 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022. Tổng cộng, Trung Quốc đã nhập khẩu 13,8 tỷ USD thiết bị từ tất cả các quốc gia trên thế giới trong 8 tháng đầu năm 2023.

Có thể bạn quan tâm