Theo chia sẻ của CEO Boeing Kelly Ortberg, kế hoạch cắt giảm 17.000 việc làm - tương đương 10% lực lượng lao động toàn cầu - là cần thiết để ổn định tình hình tài chính hiện tại của công ty sau khi 33.000 công nhân tại Mỹ tổ chức đình công và gây gián đoạn hoạt động sản xuất các dòng máy bay 737 MAX, 767 và 777.
"Chúng tôi đang điều chỉnh quy mô nhân sự cho phù hợp với ưu tiên tài chính và chiến lược”, ông Ortberg cho biết và đồng thời thông báo rằng việc cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến cả lãnh đạo, quản lý và nhân viên.
Đây là một trong những động thái quyết liệt nhất của ông Kelly Ortberg kể từ khi tiếp quản vị trí CEO vào tháng 8 với cam kết cải thiện mối quan hệ với công đoàn.
Boeing cũng ghi nhận khoản lỗ trước thuế là 5 tỷ USD từ mảng quốc phòng và các phân khúc máy bay thương mại. Ngày 20/9 vừa qua, công ty đã chính thức sa thải người đứng đầu bộ phận không gian và quốc phòng, Ted Colbert.
Dự kiến, Boeing sẽ công bố báo cáo tài chính quý 3 vào ngày 23/10 tới với doanh thu ước tính vào khoảng 17,8 tỷ USD, lỗ 9,97 USD/cổ phiếu và dòng tiền hoạt động âm 1,3 tỷ USD. Con số này thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích là âm 3,8 tỷ USD.
Theo nhà quản lý Thomas Hayes của Great Hill Capital quan sát, việc cắt giảm nhân sự sẽ gây áp lực buộc các công nhân đình công phải sớm quay lại làm việc. Ông dự đoán cuộc đình công sẽ sớm chấm dứt trong vòng 1 tuần tới.
Theo S&P, tình trạng đình công kéo dài đang khiến Boeing thiệt hại 1 tỷ USD mỗi tháng và có nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng đầu tư (investment-grade credit rating).
Bên cạnh cắt giảm nhân sự, Boeing đưa ra thông báo tạm hoãn giao máy bay 777X cho đến năm 2026, trích dẫn các thách thức trong quá trình phát triển, thử nghiệm và nhân lực. Dòng máy bay này trước đó đã gặp vấn đề về chứng nhận, khiến dự định ra mắt bị trì hoãn đáng kể. Ngoài ra, Boeing cũng sẽ ngừng sản xuất máy bay vận tải 767 vào năm 2027 nhưng vẫn tiếp tục sản xuất dòng KC-46A Tanker.
Trước đó, công ty đã đệ đơn kiện lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia Mỹ và cáo buộc công đoàn không thương lượng thiện chí.
Công đoàn IAM, đại diện cho hơn 30.000 công nhân đình công, chỉ trích cáo buộc của Boeing là vô căn cứ và cho rằng những động thái này nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi việc công ty không chịu quay lại bàn đàm phán.
Trên thực tế, ngay cả trước khi cuộc đình công xảy ra, Boeing đã vấp phải nhiều khó khăn về tài chính do hàng loạt sự cố kỹ thuật trên các dòng máy bay của hãng cùng việc giới chức trách Mỹ siết chặt quy trình sản xuất. Công ty còn đang đối mặt với phiên tòa với Bộ Tư pháp Mỹ tại Texas, trong đó Boeing chấp nhận nộp phạt 487,2 triệu USD, đầu tư ít nhất 455 triệu USD vào an toàn hàng không và chịu giám sát trong 3 năm.
Boeing hiện xem xét các phương án huy động vốn, bao gồm bán cổ phiếu và trái phiếu, nhằm đối phó với khoản nợ 60 tỷ USD và duy trì xếp hạng tín dụng.