Soi hoạt động kinh doanh của Boeing sau khi liên tục dính lùm xùm

Mặc dù đã có được một năm 2023 vượt kỳ vọng, nhà sản xuất máy bay Boeing vẫn lỗ ròng 355 triệu USD ngay trong quý đầu tiên của năm 2024 và mất 8% doanh thu sau khi hạn chế sản xuất dòng máy bay 737 “xui xẻo”…

Soi hoạt động kinh doanh của Boeing sau khi liên tục dính lùm xùm

Trong quý 1/2024, Boeing đã báo cáo doanh thu đạt 16,57 tỷ USD, thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm trước đó và cũng là lần giảm đầu tiên sau 7 quý.

Hãng cũng ghi nhận khoản lỗ ròng hàng quý là 355 triệu USD và dòng tiền hoạt động âm 3,36 tỷ USD.

Doanh thu máy bay thương mại của Boeing cũng thu hẹp xuống còn 4,65 tỷ USD so với mức 6,70 tỷ USD cùng kỳ quý 1/2023, chủ yếu là bởi số lượng giao máy bay 737 suy giảm tới 36% khi khách hàng cân nhắc dừng sử dụng dòng máy bay “nhiều biến cố” này.

Giám đốc điều hành Dave Calhoun, người đã tuyên bố sẽ từ chức vào cuối năm 2024, cho biết trong cuộc họp với các nhà đầu tư: “Kết quả quý đầu tiên phản ánh những động thái ngay lập tức mà Boeing đã thực hiện nhằm giảm tốc độ sản xuất 737 và thúc đẩy cải thiện chất lượng. Chúng tôi sẽ dành thời gian cần thiết để củng cố hệ thống quản lý an toàn và chất lượng của mình. Công việc này sẽ giúp Boeing có được một tương lai mạnh mẽ và ổn định hơn”.

Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng về an toàn và độ tin cậy trong nhiều năm qua, nhưng Boeing vẫn báo cáo số lượng đơn đặt hàng kỷ lục vào 2023. Đó cũng là năm hoạt động tốt nhất của nhà sản xuất máy bay Mỹ kể từ khi 737 Max bị điều tra vào năm 2019 sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng.

Boeing báo cáo tổng cộng 1.456 đơn đặt hàng trong năm 2023, năm tốt thứ ba trong lịch sử được ghi nhận theo thước đo doanh số và là tổng số tốt nhất kể từ 2014. Ngoài ra, công ty còn bổ sung thêm 200 đơn đặt hàng mà trước đây bị phân loại là khó có thể hoàn thành, nâng tổng số đơn đặt hàng ròng lên 1.576 máy bay. Số lượng giao hàng trong năm đạt 528 máy bay, tăng 10% so với năm 2022 và nhiều hơn tổng số giao hàng của cả 2020 và 2021 cộng lại.

Nhưng ngay cả tin tốt lành về kết quả 2023 của Boeing cũng đã nhanh chóng bị lu mờ bởi sự cố nổ phích cắm cửa máy bay trên chiếc 737 MAX của Alaska Airlines vào tháng 1/2024, làm dấy lên một làn sóng chỉ trích và yêu cầu điều tra từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ và thậm chí cả Bộ Tư pháp nước này.

Mới đây nhất, một chiếc máy bay Boeing 777-300R của Singapore Airlines cũng gặp sự cố bất ngờ khiến 1 hành khách tử vong và nhiều người bị thương nặng.

Trước vô số các thông tin và diễn biến tiêu cực này, dường như các nỗ lực của Boeing để cạnh tranh và đuổi kịp Airbus đều đang thất bại.

Boeing hiện kém xa đối thủ châu Âu về cả số lượng đơn đặt hàng và số lượng giao hàng, đồng thời cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy khả năng sớm bắt kịp Airbus.

Airbus đã lập kỷ lục vào năm 2023 khi nhận được hơn 2.094 đơn đặt hàng ròng trong bối cảnh các hãng hàng không chủ động đi “mua sắm” khi nhu cầu về máy bay tiết kiệm nhiên liệu tăng cao sau đại dịch. Tổng số lượng giao hàng trong năm của hãng cũng đạt 735 chiếc, cao hơn gần 20% so với tổng số của Boeing.

Một trong số những vấn đề khiến Boeing “thiệt thòi” hơn so với Airbus là thách thức về các đơn đặt hàng và giao hàng cho Trung Quốc khi căng thẳng Mỹ - Trung chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Boeing đã ghi nhận 18 đơn hàng với Trung Quốc trong năm 2023 - những đơn đặt hàng máy bay chở khách đầu tiên kể từ năm 2017.

Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với số đơn đặt hàng của Trung Quốc với Airbus.

Vị trí dẫn đầu của Airbus thậm chí còn nổi bật hơn ở phân khúc máy bay chở khách một lối đi trên thị trường. Đây là phân khúc bán chạy nhất về doanh số bán máy bay thương mại. Trong khi đó, thế mạnh của Boeing là máy bay phản lực thân rộng, được sử dụng chủ yếu trên các tuyến quốc tế và máy bay chở hàng.

Một điều an ủi đối với Boeing là khi các hãng hàng không đã chọn một loại máy bay trong một phân khúc thị trường, thì họ sẽ khó chuyển sang một phiên bản khác bởi việc vận hành hai loại máy bay trong cùng một phân khúc có thể làm tăng đáng kể chi phí, cả về sửa chữa, phụ tùng và đào tạo phi công.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…