Theo Research and Markets, các khoản thanh toán mua trước trả sau ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng 57,7% hàng năm để đạt 2.281,4 triệu USD Mỹ vào năm 2023.
Mua trước trả sau trở thành một thị trường béo bở cho các doanh nghiệp Fintech. Rất nhiều công ty đã tham gia vào thị trường này như Fiin Credit, MoMo, Atome, Fundiin, Kredivo… Tuy nhiên, không thể không chú ý đến những rủi ro đính kèm với mô hình kinh doanh rất mới này.
Thất bại liên tục trên sàn chứng khoán Úc
Openpay, nhà điều hành BNPL trụ sở tại Úc đã rơi vào tình trạng bị chuyển giao bắt buộc chỉ vài ngày sau khi công bố kết quả hàng quý kỷ lục. Sự việc này đã làm nổi bật những thách thức về tài chính cho các công ty mua trước trả sau.
Vào ngày 3/2, Openpay đã bị yêu cầu xóa khỏi Sở giao dịch chứng khoán Úc (ASX) vì lý do liên quan đến cuộc thảo luận với các nhà tài chính của công ty. Điều này dẫn đến việc giao dịch bị đình trệ và khách hàng mới không thể mua hàng trong khi các giao dịch chưa thanh toán vẫn cần phải hoàn thành.
Công ty tái cấu trúc McGrathNicol đã được chỉ định là bên nhận trách nhiệm chuyển giao của Openpay sau khi dòng tiền hoạt động ròng của công ty công nghệ thanh toán này sụt 18,2 triệu AUD.
Sự sụp đổ xảy ra chưa đầy một tuần sau khi Openpay phát hành bản cập nhật hàng quý đầy thắng lợi. Vào 31/1, công ty đã công bố kết quả kỷ lục, trong đó doanh thu tăng 59% lên 10,1 triệu AUD.
Tuy nhiên, số dư tiền mặt của Openpay báo hiệu các vấn đề cơ bản nghiêm trọng với doanh nghiệp. Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là âm 18,2 triệu AUD trong tháng 12 và âm 38 triệu AUD trong hai quý vừa qua, dẫn đến công ty chỉ còn khoản tiền mặt và các khoản tương đương tiền là 17 triệu AUD vào cuối kỳ.
Đồng thời, nợ truy thu (1,7%) và nợ xấu ròng (2,2%) của công ty đều tăng so với cùng kỳ trước đó.
Bộ Nội vụ New Zealand cho biết Openpay đã “không thiết lập, triển khai và duy trì chương trình AML/CFT (Chống Rửa Tiền/Chống Tài Trợ Khủng Bố) cũng như không thực hiện đầy đủ các giám sát các tài khoản và giao dịch trong một thời gian dài”.
Theo dòng sự kiện, nhiều công ty BNPL cũng rớt đài trên thị trường chứng khoán Úc. Cổ phiếu của Block Inc, công ty đã mua lại Afterpay vào tháng 1 năm 2022, giảm 16%. Trong khi đó, cổ phiếu của Zip Co Ltd và cổ phiếu của Sezzle Inc giảm lần lượt là 78% và 72%.
Công ty BNPL của New Zealand là Laybuy cũng có kế hoạch hủy niêm yết khỏi ASX sau khi giá trị của nó giảm mạnh 231 triệu AUD kể từ khi niêm yết chỉ hơn hai năm trước.
Giám đốc điều hành Splitit Nandan Sheth cho biết ông không ngạc nhiên khi biết rằng công ty BNPL đầu tiên trên ASX đã bị buộc phải chuyển giao.
“Khi bạn đang cho những người tiêu dùng dưới chuẩn vay với tỷ lệ xóa nợ rất cao, trong một số trường hợp là 300 đến 400 điểm xóa nợ cơ bản, mà trong khi đó, chi phí thu hút khách hàng cùng với chi phí tiếp thị cũng vô cùng lớn thì con đường dẫn đến lợi nhuận của các công ty sẽ bị thách thức,” ông nói.
Ông cũng cho rằng điều này có thể xảy ra nhiều hơn khi những công ty BNPL tập trung hơn vào lợi nhuận.
Lãi suất cao hơn và cuộc khủng hoảng người tiêu dùng do lạm phát gây ra có thể khiến các công ty BNPL phải vật lộn để tồn tại trong khi cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng họ vẫn có tương lai với tư cách là một mô hình kinh doanh độc lập.
Trong khi đó, vấn nạn nợ xấu gia tăng và thua lỗ của ngành trở nên rõ ràng hơn khi ngành BNPL phải đối mặt với các quy định khắt khe trên khắp thế giới.
Tương lai nào cho thị trường mua trước trả sau?
Lĩnh vực mua trước trả sau đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong thời kỳ đại dịch, thu hút sự quan tâm đáng kể từ cả người tiêu dùng và nhà đầu tư. Tuy nhiên, mô hình BNPL phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính.
Thị trường mua trước trả sau ở Việt Nam chỉ đang ở trong giai đoạn đầu. Khung pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam chưa hoàn thiện. Và quy định lỏng lẻo là một trong những lý do chính khiến BNPL có thể phát triển nhanh chóng và bùng nổ như vậy tại Việt Nam hiện giờ.
Tuy nhiên, BNPL tăng trưởng vượt bậc trong khi Việt Nam chưa hoàn thiện khung pháp lý có khả năng đặt nhiều công ty vào thế khó. Lĩnh vực này có thể sẽ phải đối mặt với việc thu hút quá nhiều người tiêu dùng hoặc các khoản vay dưới tiêu chuẩn của khung pháp lý được đưa ra sau đó. Và việc cố gắng bảo lãnh cho những người tiêu dùng dưới chuẩn sau đó có thể sẽ rất khó khăn và dẫn đến việc xóa sổ sổ sách của công ty.
Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý có thể mang tính quyết định cho tương lai của BNPL. Bởi hầu hết những người cho vay BNPL hiện không cung cấp dữ liệu cho các công ty báo cáo tín dụng lớn, BNPL và những người cho vay khác đều không biết về các khoản nợ hiện tại của người vay khi đưa ra quyết định cho vay mới. Điều này có thể dẫn đến việc tích lũy những món nợ khó đòi. Nếu người tiêu dùng không thể trả lại những gì họ nợ, các tổ chức tài chính sẽ phải gánh gánh nặng nợ gia tăng và điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của chính họ.
Mua trước trả sau là mô hình non trẻ đầy tiềm năng. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng chậm trả nợ, sức hấp dẫn của nó sẽ nhanh chóng biến mất đối với các cá nhân cũng như các tổ chức tài chính. Các công ty BNPL thậm chí đã được cảnh báo rằng họ có thể là “Wonga tiếp theo”, một công ty cho vay gây tranh cãi đã phá sản sau khi nợ hơn 400 triệu bảng Anh khoản vay ngắn hạn từ hơn 200.000 khách hàng.
Không chỉ vậy, mô hình lợi nhuận cho các nhà cung cấp dịch vụ mua trước trả sau có thể khiến những nhà đầu tư phải suy xét kỹ lưỡng. Thu nhập ổn định của các công ty BNPL chủ yếu đến từ việc thu phí bên bán lẻ thông qua dịch vụ thanh toán của họ. Về lý thuyết, họ sẽ giúp đỡ một nhà bán lẻ đạt được số liệu bán hàng cao hơn vì kế hoạch chi trả không lãi suất của mô hình mua trước trả sau sẽ thu hút một lượng lớn khách hàng.
Tuy nhiên việc ngày càng gia tăng các đơn vị BNPL sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty này. Sự gia tăng cạnh tranh trong thị trường mua trước trả sau này làm tổn hại đến doanh thu của hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ do thị phần của họ sẽ bị chia nhỏ và sự hấp dẫn của BNPL với các nhà bán lẻ suy giảm.
Khi đó, mức lãi suất cho vay cao trở thành con dao hai lưỡi. Một mặt, nó sẽ khuyến khích nhiều người tiêu dùng chấp nhận mua trước trả sau hơn các hình thức tín dụng khác vì thời hạn miễn lãi suất của BNPL trở nên vô cùng hấp dẫn trong môi trường này. Mặt khác, nó gây áp lực lên các nhà cung cấp BNPL trong huy động tiền để cho vay từ thị trường nợ, một điều đang trở nên khó khăn khi khả năng thu về lợi nhuận của mô hình này ngày càng bị thách thức.
Khi lãi suất cơ bản tăng lên, chi phí sinh hoạt bị ảnh hưởng và các quy định tiềm năng được đưa ra, các nhà cung cấp BNPL sẽ cần phải thích ứng nhanh chóng để duy trì tính cạnh tranh. Điều này có nghĩa là cân bằng nhu cầu của người tiêu dùng để phân phối nhiều mặt hàng hơn trong một khoảng thời gian dài, đồng thời đảm bảo người bán có tùy chọn thanh toán hiệu quả về chi phí.
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, tương lai của thị trường BNPL vẫn sáng sủa. Theo Research and Markets, ngành thanh toán BNPL toàn cầu đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua bởi sự thâm nhập thương mại điện tử ngày càng tăng. Trong khi đó dự kiến tăng trưởng trung và dài hạn của ngành BNPL tại Việt Nam vẫn mạnh mẽ, ghi nhận tốc độ CAGR là 31,1% trong giai đoạn 2023-2028. Tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước có thể tăng từ 1.447,1 triệu USD năm 2022 lên 8.820,6 triệu USD vào năm 2028.
Shyam Pradheep, tổng giám đốc của Zogo, một nền tảng giáo dục tài chính cho biết: "Để tồn tại, công ty BNPL phải tiếp tục đổi mới để họ có thể vượt qua lạm phát gia tăng và giảm chi tiêu của khách hàng trong thời kỳ kinh tế hỗn loạn như thế này. Tương lai của BNPL phụ thuộc vào khả năng thích ứng với tình hình. Và may mắn là đối với fintech như BNPL, tính linh hoạt lại là đặc điểm chính của ngành.”