Các quan chức châu Âu trấn an thị trường về tình hình Deutsche Bank

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh EU rằng Deutsche Bank là một doanh nghiệp có lãi và không có lý do gì để lo lắng…
Deutsche Bank

Sau đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trong khu vực, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã nỗ lực trấn an thị trường về tình hình ngân hàng, đặc biệt là khi cổ phiếu Deutsche Bank trượt giảm đột ngột đã tác động không nhỏ tới tâm lý các nhà đầu tư. 

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, cổ phiếu Deutsche Bank đã lao dốc hơn 14% vào một thời điểm trong ngày sau khi hợp đồng hoán đổi nợ xấu cho thấy chi phí bảo hiểm khoản nợ của Deutsche Bank đang ngày càng tăng.

Sự việc diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc giải cứu khẩn cấp Credit Suisse và sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley; làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng lây lan trong lĩnh vực tài chính.

Phát biểu với báo giới tại hội nghị thượng định EU, thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng Deutsche Bank là một doanh nghiệp có lợi nhuận mà không có lý do để lo lắng.

Deutsche Bank
Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

“Deutsche Bank đã hiện đại hóa và tổ chức lại cách thức hoạt động. Đó là một ngân hàng có lợi nhuận cao và không có gì phải lo lắng,” ông Olaf Scholz nhấn mạnh. 

Về phần mình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắc tới quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, nói rằng việc bình thường hóa chính sách - cụ thể là bằng cách tăng lãi suất - không phải là mối đe dọa đối với các nguyên tắc cơ bản vững chắc của hệ thống ngân hàng. 

Cũng trong cuộc họp cuối quý hàng năm giữa 27 nhà lãnh đạo EU, dù vấn đề địa chính trị chiếm ưu thế trong ngày thảo luận đầu tiên, nhưng tình trạng hỗn loạn ngân hàng cuối cùng lại trở thành tâm điểm của hôm 24/3. 

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho biết khu vực đồng euro có khả năng phục hồi tốt vì có vốn mạnh và vị thế thanh khoản vững chắc. “Ngành ngân hàng khu vực đồng euro rất khoẻ mạnh vì chúng tôi đã áp dụng các cải cách quy định được quốc tế thống nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”. 

Trước thềm cuộc họp, các quan chức châu Âu đã bày tỏ sự thất vọng với việc thiếu các biện pháp kiểm soát theo quy định tại Mỹ - nơi lần đầu tiên xuất hiện tình trạng hỗn loạn ngân hàng gần đây. Các quan chức cũng lo lắng về khả năng sự cố tại Mỹ sẽ lây lan sang lĩnh vực ngân hàng của chính họ, chủ yếu là bởi các ngân hàng châu Âu mới vượt qua được khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa được bao lâu.

Sau cú sốc năm 2008, các ngân hàng châu Âu đã trải qua quá trình tái cơ cấu quy mô lớn và phải củng cố đáng kể bảng cân đối kế toán của mình.

Nhưng EU vẫn phần nào dễ bị tổn thương trước những cú sốc bởi họ có một liên minh tiền tệ trong khu vực đồng euro, nơi 20 quốc gia dùng chung đồng euro, nhưng lại thiếu một liên minh tài chính. Chính sách tài khóa vẫn là trách nhiệm của từng chính phủ chứ không phải của một tổ chức duy nhất.

“Chúng ta cần tiến tới hoàn thiện liên minh ngân hàng”, bà Christine Lagarde cũng nói với 27 nguyên thủ quốc gia EU vào thứ Sáu.

Liên minh ngân hàng là một bộ luật được đưa ra vào năm 2014 để làm cho các ngân hàng châu Âu khoẻ. Cuộc tranh luận vốn nhạy cảm về mặt chính trị, nhưng thực tế là lãi suất cao khiến nó càng trở nên cấp bách hơn. Ý tưởng về một liên minh thị trường vốn được đưa ra với mục đích giúp hoạt động cho vay trở nên dễ dàng hơn trong khu vực, nơi mà bộ máy hành chính giữa các quốc gia thường thường có nhiều điểm khác biệt. 

Có thể bạn quan tâm