Mới đây, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đã tổ chức buổi lễ công bố cam kết cho vay 553 triệu USD để phát triển cảng container quan trọng ở tỉnh Colombo, Sri Lanka.
Thỏa thuận này là một ví dụ về cách các quốc gia như Mỹ và Ấn Độ đang ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ ở Sri Lanka - quốc gia năm ngoái đã trở thành quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên trong hơn hai thập kỷ vỡ nợ nước ngoài.
Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất của Sri Lanka - quốc gia tham gia chính vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Các nhà phê bình phương Tây và Ấn Độ cho rằng việc vay mượn quá mức từ Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka. Sri Lanka hiện đang đàm phán với các chủ nợ, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài có tổng trị giá khoảng 40 tỷ USD. Tháng trước, Sri Lanka đã công bố thỏa thuận tái cơ cấu sơ bộ với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc nhưng vẫn chưa thống nhất được các điều khoản với một số chủ nợ khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Pháp.
Theo phòng thí nghiệm AidData tại trường đại học William & Mary, Trung Quốc đã tài trợ cho gần 300 dự án tại Sri Lanka kể từ năm 2000, cung cấp viện trợ và tín dụng với tổng trị giá hơn 20 tỷ USD. Năm 2017, Sri Lanka đã trao quyền kiểm soát cảng Hambantota phía nam cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm.
Nhưng Mỹ và Ấn Độ, những nước muốn chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đang cố gắng bắt kịp. Các khoản đầu tư của DFC vào Sri Lanka đã tăng từ mức 20 triệu USD cách đây 4 năm lên gần 1 tỷ USD, tổ chức tiết lộ trên trang mạng xã hội X.
Sri Lanka đã trở thành thị trường lớn thứ hai của DFC trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đại sứ Mỹ tại Sri Lanka Julie Chung lưu ý thêm.
Giám đốc điều hành DFC Scott Nathan đã gặp các quan chức hàng đầu ở Sri Lanka trong tuần này, bao gồm cả Tổng thống Ranil Wickremesinghe, để thảo luận về các cơ hội đầu tư. Trang web của DFC cho biết các kế hoạch hoạt động của họ đều xoay quanh các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như sự phát triển toàn cầu.
Ông Scott Nathan nói rằng khoản vay mới đây sẽ giúp liên doanh của Tập đoàn Adani mở rộng năng lực vận chuyển tại cảng, tạo ra sự thịnh vượng hơn cho Sri Lanka mà không làm tăng thêm nợ chính phủ, đồng thời củng cố vị thế của các đồng minh Mỹ trên khắp thế giới.
Cảng Adani (Adani Ports) và Đặc khu Kinh tế (Special Economic Zone) nắm giữ 51% cổ phần tại cảng container phía tây Colombo, nơi họ đang phát triển cùng với tập đoàn Sri Lanka John Keells Holdings và Cơ quan quản lý cảng Sri Lanka.
Sự hỗ trợ tài chính của Mỹ xuất hiện khi tỷ phú Adani đang nỗ lực đẩy lùi các cáo buộc về thao túng thị trường chứng khoán và gian lận kế toán do Hindenburg Research có trụ sở tại New York đưa ra vào tháng 1. Đại diện Adani đã mạnh mẽ bác bỏ những lời buộc tội.
Bà Karan Adani, giám đốc điều hành của Adani Ports, tuyên bố trong một bài phát biểu tại Colombo hôm 8/11 rằng khoản hỗ trợ này từ Mỹ là sự tái khẳng định của cộng đồng quốc tế về tầm nhìn, khả năng và cách thức quản trị của Adani.
Tập đoàn Adani, vốn có mối quan hệ chặt chẽ với các mục tiêu phát triển của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, từ lâu đã phủ nhận cáo buộc rằng sự “chống lưng” từ New Delhi đã giúp họ đảm bảo được các dự án ở Sri Lanka.
Constantino Xavier, một thành viên tại Trung tâm nghiên cứu Tiến bộ Kinh tế và Xã hội ở New Delhi đánh giá, thỏa thuận này phản ánh niềm tin chiến lược ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Mỹ trong việc hợp tác để đưa ra các giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
“Đây cũng là một phần trong chiến lược kết nối khu vực lớn hơn của Ấn Độ nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và các đối tác chiến lược như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu”, ông Constantino Xavier giải thích thêm.