"Chắp thêm cánh" cho giấc mơ khởi nghiệp Việt Nam

Chia sẻ với Thương Gia, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh cho biết, mặc dù phụ trách hai tổ chức với tên gọi khác nhau nhưng cả hai đều có chung một mối quan tâm đó là “hỗ trợ những người có khát vọng khởi nghiệp và sáng lập DN Việt Nam”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Phó Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia 

Do đó bà Minh khẳng định, khi kiêm thêm nhiệm vụ tại Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia thì việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp mà VWEC đã thực hiện từ trước tới nay và việc “hỗ trợ những người có khát vọng khởi nghiệp và sáng lập DN Việt Nam” hiện tại sẽ như được chắp thêm cánh, như được tiếp thêm sức mạnh, giúp họ phát triển bền vững, hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp Việt Nam.

Được biết bà vừa được bầu là Phó Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia trong khi bà vẫn phụ trách Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) với vai trò là Chủ tịch. Là lãnh đạo của hai tổ chức nói trên, bà có thể cho biết hai tổ chức này đang và sẽ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như thế nào, thưa bà?

Khởi nghiệp là từ khóa mà chúng ta thấy xuất hiện ngày càng nhiều trên các văn bản của Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội ngày nay. Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm đến khởi nghiệp khi giao nhiều bộ ngành đưa ra các đề án, chương trình hỗ trợ.

Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc là hai tổ chức có chung một mối quan tâm “hỗ trợ những người có khát vọng khởi nghiệp và sáng lập DN Việt Nam”. Với mối quan tâm đó, chúng tôi sẽ phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng thông qua các hoạt động như: Xây dựng vườn ươm khởi nghiệp, đào tạo các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tư vấn kinh doanh, tổ chức kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại, tổ chức hoạt động đối thoại.

Là một người sát sao với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bà có thể cho biết trong thời gian qua phụ nữ thường khởi nghiệp ở những lĩnh vực nào, thưa bà?

Việt Nam đã có hệ sinh thái khởi nghiệp khá hoàn thiện. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia khuyến khích mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của người dân khi vào năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã chọn là năm "Quốc gia khởi nghiệp”.

Tinh thần khởi nghiệp không chỉ bó hẹp ở nam giới, phụ nữ hiện nay cũng mong muốn được thổi bùng ngọn lửa kinh doanh, lập nghiệp của mình.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Development Economics và YouGov vào năm 2018 đã thể hiện rõ điều đó khi công bố, cứ 5 phụ nữ ở Việt Nam thì có 4 người muốn khởi nghiệp.

Về lĩnh vực khởi nghiệp, theo một báo cáo của IFC năm 2017, DN do nữ làm chủ ngày nay đã hoạt động cả trong các lĩnh vực “truyền thống” của nam giới như xây dựng, giao thông vận tải, công nghiệp chế biến chế tạo… 

Mặc dù chúng tôi chưa có khảo sát riêng về lĩnh vực khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam, nhưng theo quan sát và từ các báo cáo về DN nhỏ của các cơ quan chức năng, chúng ta có thể thấy phụ nữ thường khởi nghiệp và phát triển kinh doanh tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ (trực tuyến (online) hoặc trực tiếp), lĩnh vực nông nghiệp (nuôi trồng và chế biến thủy hải sản), dệt may giầy da, lĩnh vực đào tạo và dịch vụ (khách sạn, ăn uống, nhà hàng, làm đẹp…).

Như bà chia sẻ, lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng - ăn uống (F&B)… cũng là một trong những lĩnh vực được phụ nữ lựa chọn để khởi nghiệp. Tuy nhiên đây là những lĩnh vực thời gian qua bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 so với các ngành nghề khác. Bà có lời khuyên nào để họ có thể vượt qua khó khăn trong giai đoạn này?

Với kinh nghiệm của mình, tôi xin gợi ý một số giải pháp để các nữ chủ DN trong lĩnh vực F&B tham khảo và cân nhắc, lựa chọn giải pháp phù hợp với DN mình.

Thứ nhất, F&B là lĩnh vực trực tiếp liên quan đến sức khỏe con người nên thực phẩn sạch, thực phẩm xanh sẽ là xu thế kinh doanh nhân văn mà mọi người tiêu dùng đang hướng tới. Do đó để có thể phục hồi sau đại dịch, có hai xu hướng kinh doanh mà các nữ chủ DN có thể lựa chọn: Một là kinh doanh theo nhu cầu thị trường, hai là kinh doanh để dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên muốn kinh doanh theo xu hướng nào thì cũng cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu, phạm vi hoạt động, thị phần... mà DN hướng tới; Xây dựng lại chiến lược và mục tiêu kinh doanh; Tái cấu trúc nhân sự, quy trình sản xuất, cắt giảm các khâu trung gian để giảm chi phí; tham gia vào chuỗi cung ứng xanh; chuyển đổi số đặc biệt trong các hoạt động nhận đơn hàng, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, marketing...

Khoá tập huấn Khởi sự kinh doanh - Một trong nhiều hoạt động của VWEC nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Thứ hai, đối với các DN do ảnh hưởng của Covid quá nặng nề và có công nợ lớn, bên cạnh việc tham gia các Hiệp hội để được kết nối tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ thì cũng cần kêu gọi đầu tư, tìm đối tác hợp tác để tiếp tục vực dậy công việc kinh doanh của DN. Thậm chí sau khi đánh giá, cân nhắc thận trọng các yếu tố, các giải pháp vượt qua đại dịch mà vẫn thấy rủi ro nếu tiếp tục duy trì hoạt động thì có thể chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác.

Cũng như lĩnh vực F&B, số DN nữ lựa chọn lĩnh vực thẩm mỹ để khởi nghiệp cũng chiếm phần lớn. Tuy nhiên đâu đó vẫn xảy ra các “tai nạn” chuyên môn tại một số cơ sở làm đẹp. Theo bà, làm thế nào để Việt Nam xây dựng được ngành công nghiệp làm đẹp có uy tín?

Việc xẩy ra các “tai nạn” chuyên môn tại một số cơ sở làm đẹp như bạn đề cập có thể đến từ nhiều nguyên nhân như các cơ sở không đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước; các kỹ thuật viên chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; vấn đề vệ sinh khử trùng, gây mê không theo quy định của Nhà nước; sốc, phản ứng, dị ứng với thuốc....

Chúng tôi mong rằng các cơ sở làm đẹp sớm nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ này đối với sức khỏe của khách hàng và những hậu quả mang lại, để đăng ký kinh doanh và đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ theo quy định của Nhà nước. Chúng ta cũng cần tăng cường truyền thông giúp người dân có đầy đủ thông tin và kiến thức để lựa chọn dịch vụ phù hợp, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước cũng cần được tăng cường để đảm bảo các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp phải được cấp phép mới được hành nghề.

Ngoài ra, các trường, các cơ sở đào tạo y tế (được cấp phép) cần quan tâm lựa chọn các chương trình đào tạo y khoa – phẫu thuật chỉnh hình, thẩm mỹ có chất lượng cao và ngày càng có nhiều khóa đào tạo chuyên ngành cho đội ngũ kỹ thuật viên thẩm mỹ. Đồng thời khuyến khích các tổ chức hỗ trợ DN, các hiệp hội xây dựng và tổ chức các khóa tập huấn về văn hóa kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xã hội của DN để Việt Nam có một đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật có tâm, có tầm, có tay nghề cao về làm đẹp, phẫu thuật, chỉnh hình; xây dựng ngành công nghiệp làm đẹp Việt Nam có uy tín, xứng tầm với thị trường tiềm năng hiện nay.

Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm