Chính sách thắt chặt tiền tệ của ECB có thể đẩy nợ xấu tiếp tục lên cao

Những đợt tăng lãi suất liên tiếp trong năm qua của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang dẫn tới khả năng gia tăng nợ xấu...
nợ xấu

Trong một bài phỏng vấn với tờ báo Il Sole 24 Ore của Italia, phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Luis de Guindos cho biết các đợt tăng lãi suất của ECB đang ở giai đoạn cuối, nhưng vẫn cảnh báo rằng chi phí đi vay cao hơn có thể gây áp lực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng, ngay cả khi các chỉ số cho đến nay vẫn ở mức tốt.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm tổng cộng 3,75 điểm phần trăm kể từ tháng 7 năm ngoái và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới, nhưng với tốc độ vừa phải trong khoảng 0,25 điểm phần trăm thay vì những động thái quá mức như giai đoạn đầu của chiến dịch.

“ECB hiện đã bước vào giai đoạn cuối của con đường thắt chặt chính sách tiền tệ. Và đó là lý do tại sao chúng tôi đang trở lại với mức bình thường, mức tăng 0,25 điểm phần trăm”, Il Sole 24 Ore dẫn lời phó chủ tịch ECB Luis de Guindos.

Những đợt tăng lãi suất này của ECB giúp cải thiện biên độ cho vay của các ngân hàng nhưng cũng có thể khiến một số người đi vay gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ, làm tăng tỷ lệ nợ xấu (non-perfoming loan - NPL).

“Hiện tại, sự cải thiện về tỷ suất lợi nhuận nhiều hơn là bù đắp cho những tổn thất tiềm ẩn từ sự gia tăng nợ xấu”, ông Luis de Guindos cho biết và nhận định: “Nhìn chung, sự kết hợp giữa việc nền kinh tế đang chậm lại và lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí huy động vốn cho các ngân hàng và có thể làm tăng nợ xấu”.

Giám đốc giám sát của ECB Andrea Enria trước đó đã nói với tờ Vecernji list của Croatia rằng ECB đang nhận thấy một số dấu hiệu ban đầu về việc các khoản vay được thanh toán chậm trễ, một dấu hiệu thực tế cho thấy nợ xấu có thể đang tăng lên. “Mặc dù chúng tôi không dự kiến một làn sóng nợ xấu, nhưng bây giờ không phải là lúc để tự mãn”, ông Andrea de Guindos nói thêm.

Ngoài ra, ông Andrea de Guindos cũng cảnh báo về cái được gọi là “ngân hàng bóng tối” - một danh mục bao gồm các công ty tài chính phi ngân hàng như quỹ hoặc công ty bảo hiểm - đang gặp phải một số căng thẳng do các công ty kiểu này có đòn bẩy cao và đối mặt với nhiều rủi ro thanh khoản hơn.

Nhắc tới ước tính đầu tiên của ECB về tác động của việc thắt chặt định lượng và giảm lượng nợ chính phủ mà ngân hàng nắm giữ, ông Andrea de Guindos cho biết điều này đã làm tăng lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm từ 0,60 đến 0,70 điểm phần trăm, với việc tăng lãi suất đã có một tác dụng lớn hơn nhiều.

Có thể bạn quan tâm