Chứng khoán thúc đẩy tài sản hộ gia đình ở Mỹ vượt mức 154 nghìn tỷ USD

Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới công bố cho thấy xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán đã giúp tài sản hộ gia đình ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục hơn 154 nghìn tỷ USD trong quý 2/2023…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chứng khoán và bất động sản là hai động lực giúp tài sản hộ gia đình Mỹ phục hồi
Chứng khoán và bất động sản là hai động lực giúp tài sản hộ gia đình Mỹ phục hồi

Giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ đã tăng 3,7% lên 154,28 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2023, cao hơn so với mức 148,79 nghìn tỷ USD vào cuối quý đầu tiên, Fed cho biết trong báo cáo về bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình, doanh nghiệp, chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương.

Dữ liệu cho thấy các hộ gia đình đã bù đắp được hầu hết những tổn thất về tài sản vì thị trường chứng khoán xuống giá và giá trị bất động sản suy yếu trong suốt năm ngoái khi Fed khởi động chiến dịch lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Chỉ số tổng lợi nhuận của S&P 500, bao gồm cả cổ tức tái đầu tư, đã tăng 8,7% trong quý 2 và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ ba tháng cuối năm 2021. Sự phục hồi của thị trường chứng khoán đã bổ sung thêm 2,6 nghìn tỷ USD vào giá trị tài sản ròng của hộ gia đình Mỹ, chiếm gần một nửa tổng mức tăng tài sản trong quý.

Bất động sản là động lực lớn khác, với giá trị tài sản ghi nhận đà tăng đầu tiên kể từ quý 2/2022, đóng góp 2,5 nghìn tỷ USD vào sự gia tăng giá trị ròng.

Tài sản hộ gia đình vào cuối tháng 6/2023 đã vượt mức cao kỷ lục trước đó là 152,49 nghìn tỷ USD được thiết lập vào quý 1/2022 với khoảng cách là 1,8 nghìn tỷ USD, tương đương 1,2%.

Cũng trong báo cáo của Fed, quy mô dự trữ tiền mặt của các hộ gia đình Mỹ - gồm có nhiều loại tiền gửi ngân hàng và nắm giữ quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ - tiếp tục giảm trong quý thứ năm liên tiếp xuống còn 17,7 nghìn tỷ USD.

Đóng góp lớn vào khả năng phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, mức dự trữ đó vào cuối tháng 6 đã giảm 66 tỷ USD so với cuối tháng 3 và đã giảm hơn 560 tỷ USD so với mức đỉnh 18,3 nghìn tỷ USD vào cuối quý 1/2022.

Thói quen tiết kiệm của hộ gia đình tiếp tục thay đổi, theo kịp tốc độ tăng lãi suất của Fed với mức lãi suất cao hơn đối với tài khoản séc và tài khoản tiết kiệm, cũng như chứng chỉ tiền gửi.

Tiền gửi ngân hàng đã giảm hơn 200 tỷ USD xuống dưới 14,2 nghìn tỷ USD, trong khi số dư quỹ thị trường tiền tệ tăng 137 tỷ USD lên mức kỷ lục hơn 3,5 nghìn tỷ USD.

Mức nợ của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ tiếp tục tăng trong quý 2, mặc dù tốc độ tăng rất khác nhau tùy theo từng lĩnh vực. Tổng nợ phi tài chính tăng với tốc độ hàng năm là 6,3%, nhanh nhất kể từ quý 1/ 2021 lên 71,2 nghìn tỷ USD, trong đó mỗi hộ gia đình và doanh nghiệp chiếm khoảng 20 nghìn tỷ USD và nợ chính phủ là 31,3 nghìn tỷ USD.

Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là mức nợ chính phủ liên bang tăng 12,7% hàng năm, mức lớn nhất kể từ mức tăng kỷ lục trong quý 2/2020 - thời điểm thúc đẩy chi tiêu cứu trợ đại dịch đầu tiên.

Kho bạc Mỹ đã tăng cường phát hành trái phiếu vào cuối quý hai năm nay sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden và Quốc hội đạt được thỏa thuận đình chỉ trần nợ liên bang và tránh được nguy cơ vỡ nợ của chính phủ.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng nợ kinh doanh đã chỉ tăng nhẹ ở mức 1,9% hàng năm trong quý hai. Đây là mức tăng chậm nhất kể từ ba tháng cuối năm 2020.

Có thể bạn quan tâm