Diễn biến cổ phiếu ngân hàng tuần qua (12 - 16/6) tiếp tục phân hóa khá mạnh với 15 mã tăng, 11 mã giảm và duy nhất 1 mã đứng giá. Trong đó, mã VCB của ngân hàng Vietcombank có mức tăng mạnh nhất (+4,5%), dẫn dắt toàn nhóm cổ phiếu "vua" cũng như thị trường nói chung.
Thị giá cổ phiếu VCB tiếp tục thiết lập đỉnh mới với 105.000 đồng/cổ phiếu (kết phiên giao dịch ngày 16/6), thậm chí có thời điểm giá cổ phiếu của “ông lớn” này đạt mức 106.400 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng như vậy, vốn hóa của Vietcombank đã gần đạt 500.000 tỷ đồng, bỏ xa các ngân hàng khác. Theo đó, đây là mã cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới VN-Index tuần qua.
Theo sau là hai mã SHB và STB với mức tăng đáng kể, lần lượt là 3,7% và 3,2%. Qua đó, cả hai cổ phiếu này cũng chạm về mức cao nhất trong một năm trở lại. Trong tuần qua, nhiều ngân hàng có vốn hóa lớn cũng kết tuần trong sắc xanh, tuy nhiên mức tăng không đáng kể, đều dưới 1% như CTG (+0,5%), BID (+0,6%), TCB (+0,5%), VPB (+0,3%).
Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tích cực trong tuần như: ABB (+2,8%), NAB (+2,7%), VAB (+2,4%), BVB (+2,4%), ACB (+1,2%), HDB (+0,6%), EIB (+0,5%), SSB (+0,3%).
Ở chiều ngược lại, 2 mã cổ phiếu ngân hàng có mức giảm nhiều nhất tuần qua đều niêm yết sàn trên UPCoM là VBB và PGB với mức giảm chung là -4,5%. Kế tiếp là: NVB (-3,2%), LPB (-2,6%), TPB (-2,4%), MSB (-1,5%), VIB (-1,3%), SGB (-0,4%), OCB (-0,3%), MBB (-0,3%), KLB (-0,1%).
Cổ phiếu BAB của Bac A Bank là mã cổ phiếu ngân hàng duy nhất đứng giá trong tuần giao dịch (12 - 16/6).
Thanh khoản toàn ngành ngân hàng điều chỉnh nhẹ so với tuần trước đó (5-9/6/2023) với gần 920 triệu cổ phiếu được giao dịch giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị đạt khoảng 19.173 tỷ đồng.
Trong đó, thanh khoản của cổ phiếu STB tiếp tục tăng so với tuần trước, giá trị giao dịch lên mức 2.761 tỷ đồng. Ở phiên giao dịch cuối cùng ngày 16/6, thanh khoản STB bùng nổ, đạt hơn 44,8 triệu đơn vị, tương ứng với gần 1.300 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ cuối năm ngoái.
Thanh khoản của VPB cũng tăng đáng kể trong tuần này, với 2.213 tỷ đồng, tương ứng với 111 triệu cổ phiếu được trao tay, cao hơn tuần trước 23%. SHB đạt xấp xỉ mức 2.000 tỷ đồng, giảm 500 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Khối ngoại mua ròng trở lại STB với mức 203 tỷ đồng sau thời gian dài bán ròng cổ phiếu này trước đó. Bên cạnh, các nhà đầu tư nước ngoài còn mua ròng 182 tỷ đồng EIB. Mã CTG có tuần thứ hai liên tiếp bị nhóm này bán ròng, với mức 147 tỷ đồng. Trong 2 tuần trở lại đây, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại đối với CTG là hơn 380 tỷ đồng.
Trong khi đó, khối tự doanh tiếp tục gom thêm cổ phiếu ngân hàng khi mua ròng 100 tỷ đồng VPB, 51 tỷ đồng TCB và VCB, 46 tỷ đồng MBB.
Sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần qua là Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4, có hiệu lực từ ngày 19/6/2023. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm.
Bên cạnh đó, ngân hàng VIB đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 vào ngày 15/6. Đại hội đã thông qua các vấn đề về phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và bầu bổ sung một thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2027.
Ngày sau đó, ngân hàng VIB cũng đưa ra thông báo ngày 23/6/2023 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20% từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/6.
Tương tự, ngân hàng SeABank cũng thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu và nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu là ngày 26/6/2023.
Ở một diễn biến khác, LPBank sẽ chào bán tổng cộng 32,9 triệu trái phiếu trong đợt 2 với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Trong đó bao gồm 29,4 triệu trái phiếu kỳ hạn 7 năm và gần 3,5 triệu trái phiếu kỳ hạn 10 năm.