Cuộc gặp bất ngờ của TT Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã mang lại những tia hy vọng trên toàn thế giới. Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh vào sáng thứ Hai (1/7) sau cuộc gặp gỡ khi mà ông Donald Trump là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên trong lịch sử từng đặt chân lên đất Triều Tiên.
Và dù cho hai nhà lãnh đạo vẫn còn một chặng đường dài để đi đến một thoả thuận, các nhà phân tích đều đồng tình rằng mối quan hệ tích cực giữa hai bên có thể sẽ giúp xoa dịu căng thẳng và cải thiện sự ổn định ở bán đảo Triều Tiên.
Nhưng cùng lúc đó, ở phía bên kia địa cầu, Iran tuyên bố rằng kho dự trữ uranium của họ hiện đã vượt quá mức quy định trong thoả thuận hạt nhân 2015 – trong một thông điệp rõ ràng gửi tới Hoa Kỳ.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu TT Donald Trump có nên sử dụng “hình mẫu Kim” để đối phó với Iran hay không. Trong một thời gian dài, TT Hoa Kỳ đã kêu gọi Iran quay trở lại bàn đàm phán để thảo luận về một thoả thuận hạt nhân mới, nhưng Iran đã từ chối. Vậy, sự khác biệt của hai trường hợp này là gì?
Howard Stoffer, phó giáo sư tại Bộ an ninh Quốc gia của Đại học New Haven chia sẻ với Jerusalem Post rằng không có sự tương đồng giữa đàm phán Iran và đàm phán Triều Tiên. “Tôi nghĩ rằng một trong những khác biệt đó chính là việc ông Ayatollah đã 80 tuổi, còn Kim Jong Un mới chỉ 35”, ông nói tiếp. “Giống như ông và cha của ông ấy [Kim Jong Un], ông Kim luôn muốn gặp Tổng thống Mỹ và ông ấy đã là người đầu tiên đạt được điều đó.”
“Trong trường hợp nhà lãnh đạo Ayatollah, ông đã uỷ quyền và cho phép một thoả thuận với Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Obama. Nhưng sau đó, ông Trump "xuất hiện" và không chỉ phá vỡ thoả thuận mà còn áp dụng các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại rất lớn tới nền kinh tế của họ (Iran). Đó là việc tốt, dù cho tôi không đồng tình với việc phá vỡ thoả thuận, nhưng tôi nghĩ rằng họ (Iran) có thể đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ cho các lực lượng Hezbollah, Hamas, Al Queda ở Syria.”
Stoffer, người từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ 1980 – 2005, cựu Phó Giám đốc Uỷ ban Điều hành Chống khủng bố của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong 7 năm cho biết: “Tôi nghĩ đó là sự khác biệt về văn hoá. Bạn có một nhà lãnh đạo [Kim Jong Un] tin rằng khả năng hạt nhân là sự đảm bảo cho việc người Mỹ sẽ không tấn công. Trong trường hợp của Iran lại khác, họ không có năng lực hạt nhân” ông Stoffer cũng nói thêm rằng “Tôi không nghĩ họ [Iran] sẽ sẵn sàng ngồi xuống để đàm phán sau khi ông Donald Trump đã "quay lưng" với họ.”
Iran và Triều Tiên đều dùng con bài hạt nhân trong "ván cờ" với Mỹ. Ông Trump đã làm nên lịch sử khi trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bắt tay ông Kim tại DMZ, còn Iran?
Trong khi đó, Mike Doran, thành viên cấp cao tại Viện Hudson, Washington – chuyên gia về các vấn đề an ninh Trung Đông, trả lời trong một cuộc nói chuyện với Jerusalem Post rằngcác cuộc đàm phán với Iran là việc có thể, nhưng nó sẽ không diễn ra sớm. “Tôi cho rằng cơ hội của việc này là rất nhỏ, bởi có thể Iran ở giai đoạn này chưa thấy được lợi thế trong một cuộc đối thoại song phương với Donald Trump. Tuy nhiên việc này cũng hoàn toàn là có thể, chúng ta không nên loại trừ khả năng nào. Có thể trong thời gian tới, nhưng khong phải bây giờ, bởi tôi nghĩ họ đang muốn đẩy châu Âu trở thành người hoà giải và khiến châu Âu gây áp lực lên Donald Trump.” Ông cũng giải thích thêm, Iran hiện dang cố gắng để ‘cứu’ một số phần của thoả thuận hạt nhân. “Ưu tiên số một của Iran hiện nay không thoả thuận với Donald Trump theo một nghĩa rộng hơn. Và cũng chẳng phải để nhận được sự gỡ bỏ đối với các lệnh trừng phạt. Mục tiêu trước mắt của Iran chính là đảm bảo rằng Donald Trump không chạm vào các thoả thuận hợp tác hạt nhân mà họ có với các bên thứ ba.”
Ông nói rằng những căng thẳng mới nhất với Tehran xuất hiện sau quyết định của Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo về việc hủy bỏ việc cho phép Iran xuất khẩu uranium đã được làm giàu sang Nga và nước nặng sang Oman.
“Họ có các thoả thuận quốc tế, quan hệ đối tác, với Nga, Trung Quốc và châu Âu về từng khía cạnh của chương trình hạt nhân. Những mối quan hệ đó rất quan trọng đối với Iran – nó mang lại tính "hợp pháp quốc tế" chống lại chiến dịch gây áp lực tối đa của Donald Trump. Và đó là những gì họ đang "cố cứu". Vì vậy việc đàm phán với Donald Trump sẽ giống như một sự đầu hàng của họ vào thời điểm này.” Ông cũng chia sẻ thêm rằng một sự khác biệt đáng kể nữa giữa hai trường hợp Mỹ - Triều Tiên và Mỹ - Iran chính là lãnh đạo Kim Jong Un đang cố gắng “giữ cửa mở” để tiếp tục đàm phán, trong khi Iran lại cảm thấy việc chờ đợi sẽ tốt hơn cho họ. “Hầu hết đảng Dân chủ đang nói về việc quay lại với Hiệp đình Hạt nhân JCPOA nếu lãnh đạo đảng Dân chủ được bầu làm Tổng thống – và nếu trong trường hợp đó, thì Iran có thể được gỡ bỏ khỏi tất cả các lệnh trừng phạt mà không cần phải nhượng bộ.”
“Iran sẽ không nhượng bộ cho Donald Trump trong giai đoạn này khi họ có thể có được mong muốn mà không cần phải đàm phán. Họ sẽ ‘cố gắng’ đợi qua cuộc bầu cử để liệu xem ông Donald Trump có còn giữ được quyền lực hay không. Nếu ông Donald Trump tiếp tục đắc cử thì có thể sau đó họ sẽ ngồi lại và cố gắng để đi đến một thoả thuận.”
Theo Jerusalem Post