Hàng chục con tàu của Hanjin đang không bến đỗ còn các thủy thủ trên tàu ngày càng cạn kiệt thức ăn và nước ngọt. Trong khi đó, hàng nghìn tấn hàng hóa của các công ty không biết số phận ra sao. Trong số đó có rất nhiều ông chủ DN Việt Nam đang mất ăn, mất ngủ vì lỡ gửi hàng hóa trị giá triệu USD cho hãng tàu này.
- Sự sụp đổ của Hanjin và hệ lụy
- “Ngồi trên lửa” khi hãng tàu Hanjin xin phá sản
Hàng nghìn TV, xe hơi trên biểnVật vờ ngoài khơi đó là tình cảnh của nhiều con tàu Hanjin sau vụ sụp đổ của hãng tàu biển lớn nhất Hàn Quốc. Đội tàu của Hanjin chuyên chở mọi thứ, từ xe hơi đến quần áo và tivi hay đồ chơi và sự việc xảy ra ngay khi các công ty đang hối hả xuất nhập khẩu hàng hóa để chất đầy các kệ chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.Samsung cho biết hãng có số hàng hóa trị giá khoảng 38 triệu USD đang bị mắc kẹt trên 2 con tàu của Hanjin ngoài khơi Long Beach, California.Sau khi Hanjin nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở Seoul vào tuần trước, thì 85 con tàu đã rời bến của hãng này bỗng rơi vào thảm cảnh lênh đênh giữa biển mà không biết ngày cập bờ.Các cảng biển ở Mỹ, châu Á và châu Âu đồng loạt từ chối cho tàu của Hanjin vào cảng. Các nước đều lo ngại sẽ không thể thu được tiền phí từ Hanjin hoặc những container sẽ bị các chủ nợ bắt giữ, khiến hoạt động của cảng bị gián đoạn.
Ông Kim Ho Kyung, một nhà quản lý thuộc tổ chức công đoàn của Hanjin, cho biết: “Tàu của chúng tôi có thể trở thành tàu ma, thực phẩm và nước uống đang cạn dần, chúng tôi không nơi cập cảng phải lênh đênh ở hải phận quốc tế”.Theo lời của một thuyền trưởng, dù được cấp phép cập cảng ở Nhật nhưng tàu phải rời đi ngay lập tức, trong khi đó yêu cầu về thực phẩm và nước uống bị từ chối. “Chúng tôi cần sự trợ giúp đảm bảo an toàn cho các thủy thủ, hiện tại chúng tôi đang không biết tình trạng này kéo dài bao lâu”, ông cho hay.
Hanjin đã bắt đầu cung cấp thực phẩm, nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác cho thủy thủ trên 6 con tàu của hãng đang neo đậu ở một số cảng gồm Rotterdam và Singapore.Các luật sư của Hanjin đang cố gắng đàm phán với các nước, một số con tàu đang hướng đến Singapore, Hamburg hay Busan với hi vọng có thể cập cảng.Thiên đường nào cho Hanjin?Các con tàu ma của Hanjin đang tìm kiếm một thiên đường nơi họ được cung cấp thức ăn và nước uống. Còn hãng này đang đi tìm kiếm một nguồn lực tài chính để vực dậy khỏi khủng hoảng.Số phận của Hanjin đang chưa có câu trả lời. Chính phủ Hàn Quốc đã công bố bơm cho Hanjin 90 triệu USD vốn vay dài hạn, lãi suất thấp để giúp vực dậy hãng này. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang xem xét bơm thêm 90 triệu USD vốn vay lãi suất thấp nữa nếu Hanjin có tài sản thế chấp.Còn theo cơ quan nghề cá và hải dương Hàn Quốc, Hanjin cần tới khoảng 540 triệu USD để trang trải các khoản chi phí chưa trả như tiền nhiên liệu, phí bốc dỡ container…
Tập đoàn Hanjin tuyên bố sẽ chi 90 triệu USD, trong đó có 36 triệu USD từ tài sản cá nhân của Chủ tịch Tập đoàn Cho Yang-ho, giúp giải quyết tình hình gián đoạn, tiếp tục vận chuyển nốt những đơn hàng đang thực hiện.Ông Rahul Kapoor, Giám đốc Công ty Tư vấn hàng hải Drewry Financial Research Services cho rằng, vận tải đường biển dựa phần lớn vào niềm tin và tiếp thị quảng cáo. Theo ông, chưa có hãng vận tải biển nào có thể gượng dậy được sau khi tuyên bố phá sản. Hanjin đã đánh mất niềm tin của khách hàng chính vì thế khả năng vực dậy là rất khó.Trong khi đó, ngành vận tải biển đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo số liệu của Drewry Maritime Research, ngành vận tải biển toàn cầu đã thua lỗ suốt từ năm 2015 đến nay và được dự báo sẽ lỗ khoảng 5 tỷ USD trong năm nay. Các hãng vận tải liên tiếp sụp đổ trong bối cảnh ngành vận tải toàn cầu chật vật vì cung vượt cầu và kinh tế suy thoái.Ra đời năm 1977, công ty vận tải biển Hanjin thuộc Hanjin Group, đây là công ty vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc và cũng là một trong 10 công ty lớn nhất thế giới. Hanjin có hàng trăm con tàu, trong đó có 61 tàu chở container cỡ lớn vận chuyển hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Với 230 chi nhánh ở 60 nước trải rộng từ Mỹ, châu Âu đến châu Á.Hanjin vận chuyển 3% số container trên toàn cầu, chiếm 10% lượng hàng hóa được vận tải trên tuyến vận tải đường biển châu Á, 10% trên tuyến vận tải đường biển châu Âu.
Nam Hải/VNN