Trong nhiều thập kỷ, bệnh nhân nước ngoài từ Indonesia, Sri Lanka, Việt Nam và các nơi khác thường tìm đến Singapore để sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế, từ kiểm tra sức khỏe tổng quát cho đến các thủ thuật phức tạp hơn như phẫu thuật bắc cầu tim hay ghép tạng.
Những hoạt động này đã mang đến cho Singapore một phân khúc “du lịch y tế” phát triển, khi du khách tranh thủ kết hợp việc thăm khám sức khoẻ và du lịch nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, Singapore ngày nay phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Malaysia và Thái Lan, khi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở hai quốc gia láng giềng này có thể thực hiện nhiều dịch vụ tương tự mức phí thấp hơn rất nhiều.
TRỞ NGẠI VỀ CHI PHÍ
Các chuyên gia trong ngành cho biết, hiện nay có ít bệnh nhân nước ngoài đổ xô đến Singapore để trải nghiệm “du lịch y tế” hơn trước.
Ông Jeffrey Law, giám đốc thương mại của IHH Healthcare Singapore, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất ở đây tiết lộ, vào cuối năm 2023, bệnh nhân nước ngoài chiếm khoảng 15% tổng số bệnh nhân của họ, giảm từ mức 20% vào năm 2019.
Mức suy giảm này chủ yếu đến từ những bệnh nhân chỉ có nhu cầu thăm khám sức khoẻ tổng quát. Còn những người tiếp tục trở lại Singapore thường là bệnh nhân cần điều trị bệnh lý phức tạp hơn, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 để lại các hậu quả lâu dài về sức khoẻ. Do vậy, họ cũng thường có xu hướng phải ở lại Singapore lâu hơn, với thời gian trung bình khi xưa vào khoảng 3-4 ngày thì nay tăng 4-5 ngày và kết quả là những hoá đơn thanh toán đắt đỏ hơn.
Tiến sĩ Wong Seng Weng, giám đốc y tế của Trung tâm Ung thư và giám đốc điều hành của Tập đoàn Y tế Singapore (SMG) nhấn mạnh, chi phí cao vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng bệnh nhân nước ngoài. Ông tin rằng hầu hết tất cả các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân tại Singapore đều sẽ gặp phải thách thức này và SMG cũng không ngoại lệ.
Về mặt chi phí, như ông Wong giải thích, tỷ lệ lạm phát cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Singapore có thể đã khiến dịch vụ của họ vượt quá tầm với của nhiều bệnh nhân trong khu vực. Hơn nữa, chi phí đi lại bằng đường hàng không đắt đỏ cũng là một trở ngại khác.
“Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Singapore cần phải tiết chế các mức tăng chi phí. Trên thực tế, năng lực cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Singapore vẫn bị hạn chế nghiêm trọng vì thiếu nhân lực. Điều này dẫn đến thời gian chờ đợi lâu hơn và hệ thống chăm sóc sức khỏe kém linh hoạt hơn trong việc đáp nguyện vọng của bệnh nhân nước ngoài, dù rằng họ phải trả một mức phí cao hơn nhiều so với nhiều nơi khác. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của bệnh nhân nước ngoài đối với hệ thống của Singapore”, Tiến sĩ Wong lưu ý.
Tại Tập đoàn Y tế Raffles, nơi điều hành Bệnh viện Raffles, chủ tịch điều hành Loo Choon Yong đã phát biểu trong cuộc họp báo kết quả kinh doanh vào cuối tháng 2 vừa qua rằng thách thức mà bệnh viện hiện phải đối mặt là sự suy giảm lớn về số lượng bệnh nhân nước ngoài. Ông trích dẫn nguyên do là bởi chi phí chăm sóc sức khỏe cao hơn, lạm phát và đồng SGD mạnh so với các loại tiền khác trong khu vực.
Cũng chính vì điều này mà Tập đoàn đang hướng tới mục tiêu mở rộng ở các quốc gia khác tại Đông Nam Á.
“Với mức độ tài chính ngày càng cải thiện trong khu vực, cùng kỳ vọng cao hơn và khả năng tiếp cận dễ dàng hơn, du lịch y tế tiếp tục mở rộng. Đặc biệt, Malaysia đã thực sự phát triển vượt bậc và cùng với Singapore cũng như Thái Lan trở thành nhà cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu trong khu vực”, chuyên gia y tế công cộng Jeremy Lim, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
Indonesia vốn là nhóm bệnh nhân nước ngoài lớn nhất của Singapore. Nhưng hiện nay, chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu giữ người dân ở lại khám bệnh trong nước.
Indonesia mới đây đã cho khai trương Bệnh viện Quốc tế Bali và chuẩn bị ra mắt thêm các dự án bệnh viện cao cấp khác trong tương lai. Chính phủ nước này cho biết, phân khúc khách hàng mục tiêu của Bệnh viện Quốc tế Bali là những công dân Indonesia đang tìm kiếm các chương trình điều trị y tế ở nước ngoài.
TẬP TRUNG VÀO ĐIỂM MẠNH CHUYÊN MÔN
“Singapore đang phải đối mặt với những đối thủ đáng nể từ Malaysia và Thái Lan. Và với mức giá cao hơn, Singapore sẽ cần tập trung xử lý các ca bệnh phức tạp, thử thách hơn cũng như những bệnh nhân có thu nhập ròng cao hơn”, Tiến sĩ Jeremy Lim khuyến nghị.
Trên thực tế, IHH – nơi điều hành bệnh viện Mount Elizabeth, Bệnh viện Gleneagles và Bệnh viện Parkway East – cho biết, phần lớn bệnh nhân nước ngoài hiện đến Singapore là để tìm kiếm các dịch vụ y tế đa khoa phức tạp, chuyên sâu mà nước họ chưa có sẵn, thay vì các dịch vụ chăm sóc chuyên khoa đơn lẻ tự chọn như trước đây.
Thấy được sự thay đổi trong xu hướng, IHH đã chuyển sự tập trung sang xây dựng vị thế của mình như một đơn vị đi đầu trong lĩnh vực y tế chuyên khoa, cung cấp các phương pháp điều trị ung thư như liệu pháp tế bào T CAR (thụ thể kháng nguyên khảm), phẫu thuật chuyên sâu cũng như cấy ghép tế bào gốc, hệ vi phân faecal microbiota, gan và thận.
Đồng thời, họ cũng đang tiên phong trong các liệu trình điều trị và dược phẩm tiên tiến, đồng thời đầu tư đẩy mạnh năng lực trong các lĩnh vực mới nổi như y học chính xác (precision medicine)…
Trong số đó, liệu pháp proton - một phương pháp điều trị mới gây ra ít bức xạ hơn so với xạ trị thông thường - đã thu hút được một lượng lớn bệnh nhân nước ngoài đến đây.
Đây là một liệu pháp cực kỳ tốn kém mà hiện chỉ có 3 đơn vị duy nhất tại Singapore được cấp phép thực hiện bao gồm IHH, Viện Y học Tiên tiến Singapore (SAM) và Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore. Bệnh nhân nước ngoài hiện chiếm khoảng 50% số người đang điều trị liệu pháp proton tại IHH và chiếm khoảng 40% tổng số tại SAM.
“Bệnh nhân nước ngoài của chúng tôi chủ yếu đến từ Indonesia, Australia, Malaysia, Việt Nam và Ấn Độ để điều trị các bệnh ung thư não, ung thư gan và ung thư tuyến tiền liệt. Trung bình, họ sẽ thực hiện 30 đến 35 lần điều trị mỗi ngày và ở lại Singapore từ 1,5 đến 2 tháng”, đại diện từ SAM cho biết.
Cả IHH và SAM đều kỳ vọng số lượng bệnh nhân nước ngoài sẽ tăng hơn nữa thông qua các dịch vụ cao cấp còn đang thiếu sót ở những nơi khác trong khu vực, cùng với chuyên môn của họ và danh tiếng của Singapore như một trung tâm chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy hàng đầu trong khu vực. Thái Lan cũng cung cấp liệu pháp proton, nhưng được cho là chỉ giới hạn cho công dân nước họ.
Sự phục hồi của số lượng bệnh nhân nước ngoài là khá quan trọng đối với các dịch vụ y tế tư nhân ở Singapore vì nó sẽ bù đắp cho sự giảm thiểu của một số bệnh nhân địa phương. “Nhiều bệnh nhân địa phương đang bị thuyết phục chuyển sang bệnh viện công khi các công ty bảo hiểm có dự định sẽ tăng mức phí cao hơn trong những năm tiếp theo nếu họ tìm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân”, Tiến sĩ Wong Seng Weng tiết lộ.
Trong khi các công ty tư nhân tiếp tục thu hút bệnh nhân nước ngoài thì nhiều ý kiến cho rằng Singapore không nên theo đuổi “du lịch y tế” như một chiến lược du lịch của đất nước. Bởi lẽ, theo ông Jeffrey Lim giải thích, mặc dù “du lịch y tế” tạo ra việc làm tốt và doanh thu chất lượng cao cho Singapore, nhưng nếu lạm dụng quá mức, nó có nguy cơ gây thêm căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ quốc gia.
Do đó, cần phải đạt được sự cân bằng hợp lý. Ông Jeffrey Wong nhấn mạnh: “Chính phủ có thể đưa ra những điều chỉnh trong chính sách để đảm bảo người dân Singapore có quyền tiếp cận hợp lý với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao có giá cả phải chăng hơn. Bên cạnh đó, rõ ràng các nhà cung cấp tư nhân cũng có quyền theo đuổi bất cứ điều gì phù hợp nhất về mặt kinh tế cho chính họ. Họ có đóng thuế, có tạo việc làm cho đất nước nên cũng có quyền nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý”.