Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã có chuyến làm việc tại Nhật Bản sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, kêu gọi hợp tác toàn cầu và chống lại chiến tranh thương mại.
"Đây là nhiệm vụ chung của châu Âu và Trung Quốc chứ không chỉ Mỹ và Nga. Không phải là sự phá hủy trật tự thương mại toàn cầu mà là sự cải thiện để không bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại, tạo ra những xung đột trong lịch sử chúng ta", AFP dẫn lời ông Tusk tại Bắc Kinh.
Hiệp định Đối tác kinh tế Liên minh châu Âu (EU) - Nhật Bản được cả hai bên đồng thuận vào cuối năm ngoái và chính thức kí kết ngày 17/7 theo giờ Tokyo.
Thỏa thuận mang tính dấu mốc này giữa EU và Nhật Bản tạo ra một vùng kinh tế lớn, tương phản hoàn toàn với chủ nghĩa bảo hộ và triết ký "Nước Mỹ trước tiên" (America First) của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây sẽ là thỏa thuận lớn nhất là EU từng đàm phán trong lịch sử khối này và tạo ra khu vực thương mại chiếm tới gần 1/3 GDP thế giới.
Theo khuôn khổ hiệp định, 99% thuế quan đối với hàng Nhật Bản tại thị trường châu Âu sẽ được loại bỏ và ở chiều ngược lại, con số ở mức 94% và sẽ tăng dần lên 99% sau vài năm, theo thông tin từ hãng tin AP.
Giá rượu vang và thịt lợn châu Âu sẽ giảm xuống sau khi hiệp định có hiệu lực và cùng với đó, giá phụ tùng máy móc, trà, sản phẩm cá từ Nhật Bản sang châu Âu cũng sẽ rẻ hơn.
Với vị thế là thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới khi sở hữu 28 quốc gia và hơn 500 triệu dân, EU đang cố gắng thiết lập liên minh của mình để đối mặt với chính quyền bảo hộ của ông Trump.
Không chỉ “bắt tay” với Nhật Bản, EU còn hợp tác với Trung Quốc cũng như đang đàm phán và kí kết nhiều hiệp định thương mại khác.
Khoảng 1 tuần trước đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo phía Đông và Trung Âu tại Sofia, Bulgaria cũng như có chuyến thăm tới Đức.
Theo thông tin được đưa bởi CNBC, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen cho biết Trung Quốc và EU đang tiến hành những bước tiếp theo để kí kết một thỏa thuận đầu tư và dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Với Việt Nam, EU hiện cũng đang triển khai Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) và thống nhất toàn bộ nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư. Ngày 26/6 vừa qua, cả hai bên đã chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý, thống nhất đẩy nhanh quá trình tiến tới ký kết và phê chuẩn cả hai hiệp định.
Cuối tháng 3, Mỹ tuyên bố áp thuế lên tới 25% đối với sản phẩm nhôm thép nhập khẩu và loại trừ tạm thời cho EU. Tuy vậy, miễn giảm của EU không được kéo dài khi Nhà Trắng đưa ra quyết định hồi cuối tháng 5. Động thái này gây ra sự phản ứng khá gay gắt từ phía EU và các nhà lãnh đạo khối này đã đưa ra biện pháp đáp trả.