Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 7?

Theo một số nhận định, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2024 vào tháng tới nếu thị trường lao động Mỹ cho thấy dấu hiệu chững lại…

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn một chặng đường dài để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tính đến việc bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng cũng rất có thể Fed sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 7 khi các vết nứt suy thoái bắt đầu hình thành trong nền kinh tế, tờ Business Insider đưa tin.

Steven Blitz, chuyên gia kinh tế tại GlobalData TS Lombard, cho biết trong một báo cáo mới đây rằng có 60% khả năng Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, sẽ gây bất ngờ cho thị trường và cắt giảm lãi suất vào tháng tới.

Theo CME FedWatch Tool, thị trường chỉ đặt cược khoảng 10% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 7, trong khi hầu hết đều kỳ vọng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 11.

Nhưng chuyên gia kinh tế Steven Blitz nhận định rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng 7 của Fed có thể được đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra suy thoái, vì dữ liệu gần đây đã cho thấy dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế.

Và với việc chủ tịch Powell liên tục nhắc lại lập trường của mình rằng Fed sẽ phụ thuộc vào dữ liệu trong các quyết định lãi suất, thì việc cắt giảm lãi suất một cách bất ngờ cũng không nằm ngoài khả năng.

“Dựa trên các dữ liệu gần đây, nếu số liệu bảng lương tháng 6 của Mỹ giống với tháng 4 hơn là tháng 5, và các chỉ số khác trong tháng 6 cũng đi theo xu hướng tương tự, thì Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có thể sẽ có giọng điệu “bồ câu” hơn trong thông báo chính sách vào tháng 7", ông Steven Blitz lưu ý.

Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 175.000 việc làm trong tháng 4, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích. Điểm yếu đó được theo sau bởi báo cáo việc làm tháng 5 mạnh mẽ hơn mong đợi, nhưng dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp gần đây đã phủ bóng đen lên thị trường lao động.

Ngoài ra, dữ liệu nhà ở gần đây cho thấy hoạt động xây dựng đang chậm lại rõ rệt. Chuyên gia kinh tế tại GlobalData TS Lombard đánh giá, việc suy giảm trong khởi công xây nhà vào tháng 5 không phải chỉ là tạm thời. Tồn kho nhà đang gia tăng và lưu lượng khách xem nhà giảm mạnh đều có thể là những dấu hiệu chỉ ra rủi ro suy thoái.

Cũng theo ông, nguồn cung bán tăng lên nhưng tâm lý e dè của người mua nhà là dấu hiệu cho thấy hoạt động xây dựng nhà mới sẽ yếu hơn trong nửa cuối năm. Điều này sẽ khiến Fed phải cân nhắc lại vì việc họ đã giữ các điều kiện tài chính quá chặt chẽ trong thời gian dài có thể góp phần gây ra suy thoái kinh tế.

Rủi ro đó ngày càng lộ rõ ​​sau khi một số chủ tịch Fed có quan điểm diều hâu như Neel Kashkari gần đây nhận xét rằng Fed có thể không cắt giảm lãi suất cho đến tháng 12.

“Không có gì nực cười hơn việc các thành viên FOMC tuyên bố khi nào Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Dữ liệu sẽ cho họ biết khi nào Fed cần cắt giảm chứ không phải các tuyên bố đó. Nói thật, các thành viên FOMC cũng không có thông tin đặc biệt gì hơn so với tất cả chúng ta về diễn biến của dữ liệu”, ông Steven Blitz nhấn mạnh.

Và với dữ liệu gần đây cho thấy các vết nứt đang hình thành trên thị trường nhà đất và thị trường lao động, điều đó có nghĩa là việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra sớm hơn hầu hết mọi người dự kiến.

“Tôi nghĩ 60:40 sẽ ủng hộ việc nới lỏng chính sách vào tháng 7. Suy thoái không phải là một lựa chọn”, chuyên gia kinh tế Steven Blitz kết luận.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…