Fed sẽ phản ứng sao khi đề xuất áp thuế của ông Donald Trump có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại?

Kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể khiến giá cả leo thang và lạm phát tăng cao trở lại, từ đó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…

Fed sẽ phản ứng sao khi đề xuất áp thuế của ông Donald Trump có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại?

Đề xuất của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về việc áp thuế đối với các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ được dự đoán sẽ đẩy giá cả hàng hoá tăng cao, từ đó gây áp lực khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cân nhắc việc ngừng cắt giảm lãi suất hay thậm chí là tăng lãi suất.

Trả lời về vấn đề này, chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết rằng còn quá sớm để đánh giá hết được các tác động của kế hoạch thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ. Bởi lẽ, những lời hùng biện trong chiến dịch tranh cử là một chuyện, nhưng để một chính sách được ban hành thực tế lại là chuyện khác.

Tuy nhiên, ông Donald Trump tuyên bố sẽ không để lãng phí thời gian và ngay ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, tức ngày 20/1/2025, ông sẽ đặt bút ký sắc lệnh để áp thuế 25% đối với hàng hoá từ Mexico, Canada và 10% thuế bổ sung với Trung Quốc. Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ đắc của còn cảnh cáo đến khả năng áp thuế 100% lên các thành viên của nhóm BRICS nếu khối này cố gắng thay thế đồng USD. BRICS là một liên minh gồm các nền kinh tế mới nổi chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới.

Nếu thành hiện thực, chính sách này gần như chắc chắn sẽ làm tăng giá các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như trái cây, ô tô và rượu tequila. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tác động có thể ảnh hưởng đến khoảng 1,5 nghìn tỷ USD hàng hóa luân chuyển trong khu vực Bắc Mỹ.

Các nhà phân tích tại những nhiều tổ chức tài chính, ví dụ như Deutsche Bank, cảnh báo rằng các chính sách của nhiệm kỳ Trump 2.0 có thể làm chậm tiến trình cắt giảm lãi suất của Fed.

“Có hai vấn đề cần lưu ý. Một là các chi tiết về nền kinh tế hiện tại, trong đó người tiêu dùng vẫn chi tiêu, thị trường lao động ổn định và lạm phát hạ nhiệt. Những yếu tố này có khả năng khiến Fed duy trì lãi suất quỹ liên bang ở mức 4,5 - 4,75%, nhưng các động thái từ chính quyền mới sẽ làm phức tạp thêm tình hình”, ông Matthew Luzzetti, nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank Mỹ, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV.

Cuộc họp tháng 12 của Fed cũng sẽ trùng với thời điểm công bố bản tóm tắt dự báo kinh tế, cập nhật dự báo về lạm phát, thất nghiệp, tăng trưởng và các yếu tố khác. Nhưng nhà kinh tế Matthew Luzzetti lưu ý rằng biến động lạm phát sẽ chưa được ghi nhận trong dự báo tháng 12 mà sẽ xuất hiện trong bản dự báo tiếp theo vào tháng 3/2025.

Quan điểm của ông Luzzetti trái ngược với một số đồng nghiệp trên Phố Wall. Brian Rose, nhà kinh tế trưởng của UBS Mỹ, vẫn giữ nguyên dự đoán về việc Fed tiếp tục giảm lãi suất trong suốt năm 2025. Trong một ghi chú được Fortune trích dẫn, ông Rose nhận định: “Thị trường gần đây đã loại bỏ một số kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng Fed sẽ hạ tổng cộng 1,25 điểm phần trăm trước khi năm 2025 kết thúc, đưa phạm vi mục tiêu về mức 3,25%–3,5%, phù hợp với ước tính về lãi suất trung tính. Tuy nhiên, nếu lạm phát vẫn còn dai dẳng, có khả năng Fed sẽ phải cân nhắc mốc 4%”.

Trên thực tế, mặc dù tất cả các thành viên của FOMC đều tham gia thảo luận, chia sẻ ý kiến với ủy ban, nhưng chỉ có 12 thành viên có quyền biểu quyết. Quyền biểu quyết này thay đổi hàng năm, và chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee sẽ có quyền biểu quyết vào năm 2025.

Và với tình hình căng thẳng địa chính trị leo thang, dẫn đến những câu hỏi về sự ổn định nguồn cung, ông Austan Goolsbee đã tuyên bố rằng ông sẵn sàng xử lý mạnh tay các hiệu ứng ngoài dự kiến của những sự kiện này.

Trong một cuộc phỏng vấn với Matthew Klein từ tờ The Overshoot, chủ tịch Fed Chicago cho biết: “Bạn phải xác định rằng liệu đây là những “cú sốc” nguồn cung tạm thời hay vĩnh viễn. Và bạn cũng phải xác định được rằng liệu đây là một lần tăng chi phí nhất thời khiến lạm phát tăng tạm thời, hay nó là rủi ro leo thang về lâu dài?” Ông Goolsbee giải thích thêm, quan điểm thông thường sẽ là không siết chặt chính sách trong một cú sốc nguồn cung mà thay vào đó cố gắng ngăn chặn các tác động thứ cấp lên lạm phát.

Xem thêm

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có một cuộc trò chuyện nhằm xoa dịu các căng thẳng, thì phía Trung Quốc lại gay gắt chỉ trích đề xuất áp thuế và cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...