Cụ thể, Fitch Ratings đã đưa ra cảnh báo về việc hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, lưu ý rằng tình trạng bất đồng ý kiến trong chính phủ Mỹ đang cản trở việc đạt được nhất trí về trần nợ trước thời hạn 1/6.
Quyết định của Fitch được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán trần nợ giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy chưa mang lại kết quả vì cả hai dường như vẫn mâu thuẫn về yêu cầu cắt giảm chi tiêu.
Hôm 24/5, chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bày tỏ sự lạc quan rằng Nhà Trắng và các nhà đàm phán của Đảng Cộng hòa sẽ đạt được thỏa thuận kịp thời để ngăn chặn một vụ vỡ nợ thảm khốc có thể xảy ra ở Mỹ.
Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã cho Hạ viện nghỉ vào cuối tuần, nhưng thông báo các đảng viên có thể được triệu tập trở lại để bỏ phiếu.
Các nhà phân tích của Fitch lưu ý rằng họ vẫn kỳ vọng các quan chức ở Washington đưa ra giải pháp trước thời hạn.
Fitch hiện dự đoán rằng chính phủ Mỹ sẽ chi tiêu nhiều hơn thu ngân sách, dẫn đến mức thâm hụt 6,5% GDP vào năm 2023 và 6,9% vào năm 2024.
Các nhà kinh tế dự đoán một vụ vỡ nợ của Mỹ có thể gây ra suy thoái kinh tế, với tình trạng mất việc làm trên diện rộng và chi phí đi vay tăng cao. Tuy nhiên, không có gì lạ khi Quốc hội đạt được thỏa thuận vào phút cuối khi áp lực trở nên đủ lớn để buộc các nhà đàm phán phải đưa ra những lựa chọn.
Vào năm 2011, S&P Global Ratings đã chịu chỉ trích sau khi hạ xếp hạng của Mỹ từ mức AAA xuống còn AA+ trong một cuộc chiến trần nợ tương tự. Tuy nhiên, lần này, S&P Global vẫn giữa nguyên triển vọng ổn định và dự đoán một thỏa thuận sẽ được thông qua.
Ông William Foster, một quan chức tín dụng cấp cao của công ty xếp hạng tín dụng Moody's Investors Service, tuyên bố đã nghe được những điều đúng đắn từ Washington, và công ty của ông đã giữ nguyên xếp hạng hàng đầu cho Mỹ.