Giá dầu có khả năng vượt mốc 100 USD/thùng

Các nhà quan sát thị trường cho biết giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng và hơn thế nữa nếu căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục leo thang…

Một nhà máy lọc dầu ở phía bắc Iran
Một nhà máy lọc dầu ở phía bắc Iran

Iran là nơi có nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ và là nhà sản xuất lớn thứ ba trong Tổ chức các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào trong khả năng cung cấp cho thị trường toàn cầu đều có thể khiến giá dầu leo cao.

“Tôi nghĩ giá dầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong chu kỳ này, vừa do xung đột địa chính trị vừa do một thập kỷ thiếu đầu tư vào thăm dò và phát triển”, Josh Young, giám đốc danh mục đầu tư tại công ty đầu tư dầu khí Bison Interests, nhận định.

Chia sẻ với CNBC, các nhà phân tích trong ngành cho biết thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến sắp tới, bao gồm cả khả năng đóng cửa eo biển Hormuz - một điểm giao quan trọng nằm giữa Iran và Oman - nơi 1/5 sản lượng dầu toàn cầu được trung chuyển qua hàng ngày.

Các diễn biến chiến sự mới đánh dấu một sự phát triển nguy hiểm và chưa từng có ở một khu vực vốn đã bất ổn, phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy Jorge Leon đưa ra lưu ý.

Nói sâu thêm về dự báo giá dầu, ông Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil cho biết: “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào các cơ sở sản xuất hoặc xuất khẩu dầu ở Iran đều sẽ đẩy giá dầu thô Brent lên 100 USD. Riêng việc đóng cửa eo biển Hormuz còn có thể khiến giá dao động trên mức 120 USD đến 130 USD”.

Trong đầu phiên giao dịch châu Á, giá dầu có xu hướng giảm nhẹ khi những người tham gia thị trường hạ bớt phần bù rủi ro (risk premium) sau cuộc xung đột giữa Iran và Israel vào cuối tuần qua. Cụ thể, hợp đồng tương lai dầu Brent kỳ hạn tháng 6 giảm 24 cent xuống 90,21 USD/thùng trong khi giá dầu WTI giảm 38 cent xuống 85,28 USD/thùng.

Dù cho xung đột Israel - Hamas đến nay chưa cho thấy tác động rõ rệt đến nguồn cung dầu do các nhà sản xuất lớn vẫn còn dư thừa công suất dự phòng, nhưng giới phân tích vẫn dự đoán giá sẽ tăng cao trong ngắn hạn và trung hạn.

“OPEC gần đây đã nhắc lại chính sách nguồn cung của mình, với việc cắt giảm sản lượng kéo dài đến cuối tháng 6. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc họ có dung lượng dự phòng khoảng 6,5mb/ngày. Hầu hết lượng dự phòng này có thể nhanh chóng được đưa vào thị trường nếu có gián đoạn xảy ra”, các nhà phân tích của ANZ giải thích.

Tuy nhiên, với sản lượng của OPEC giảm và chiến sự Nga - Ukraine gây gián đoạn một số hoạt động sản xuất dầu của Moscow, nguồn cung cho thị trường toàn cầu có thể tiếp tục bị thắt chặt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các yếu tố lạm phát dai dẳng tại Mỹ và sự không chắc chắn về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đè nặng lên triển vọng về giá cả.

Mặt khác, lo ngại về nhu cầu yếu hơn cũng được cho là sẽ tiếp tục tồn tại, đặc biệt là sau dữ liệu kinh tế ảm đạm từ nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc. Trung Quốc sẽ công bố số liệu GDP quý đầu tiên vào thứ Ba.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…