Phát biểu tại một hội nghị toàn cầu ở Geneva (Thuỵ Sĩ), chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh cho biết các hãng hàng không sẽ buộc phải tăng giá vé máy bay khi chi phí nhiên liệu tiếp tục tăng cao.
“Tôi biết đây không phải là câu trả lời mà nhiều người muốn nghe, nhưng việc đối mặt với thực tế là rất quan trọng. Nếu giá nhiên liệu tăng, thì giá vé cũng sẽ phản ánh mức tăng đó,” ông Walsh cho biết.
Giá nhiên liệu máy bay dự kiến sẽ ở mức trung bình 138,8 USD/thùng, khiến tổng hóa đơn nhiên liệu của ngành tăng lên 229 tỷ USD trong năm nay.
Tổng chi phí cho ngành hàng không dự kiến sẽ tăng 5,3% lên 776 tỷ USD, thấp hơn 1,8% so với mức tăng trưởng doanh thu dự kiến.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kỳ vọng các hãng hàng không trên thế giới sẽ sớm có lãi trở lại vào năm 2023 bất chấp những khó khăn kinh tế đang diễn ra. Ngành công nghiệp toàn cầu được dự báo sẽ đạt lợi nhuận ròng 4,7 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ mức 26,4 tỷ USD của năm 2019.
IATA cho biết các hoạt động vận chuyển hành khách trong năm nay dự kiến sẽ mang lại doanh thu 522 tỷ USD khi nhu cầu tăng lên 85,5% so với thời kỳ đại dịch.
Bên cạnh đó, ông Walsh lạc quan rằng những trở ngại đang diễn ra bao gồm tăng giá nhiên liệu và các vấn đề về chuỗi cung ứng là những thách thức có thể kiểm soát được mà trước đây ngành đã từng vượt qua, không giống như đại dịch Covid-19.
“Khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế và mở cửa trở lại thì vấn đề tiếp cận không phận Nga là một câu hỏi hóc búa đối với các hãng hàng không châu Âu. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải xem xét việc mở lại không phận Nga để các hãng hàng không châu Âu có thể tiếp cận châu Á,” ông Walsh nói.
Ông Willie Walsh cũng lưu ý tới những nỗ lực loại bỏ cacbon trong ngành cũng có khả năng dẫn đến việc tăng giá vé. Ngành hàng không toàn cầu đang chịu trách nhiệm cho khoảng 2,5% lượng khí thải của thế giới. IATA ước tính ngành sẽ cần đầu tư 4 nghìn tỷ USD vào bù đắp và sử dụng nhiên liệu bền vững cho đến năm 2050 để có thể đạt được mức giảm phát thải tương thích với giới hạn carbon 1,75 độ, tương đương với khoản đầu tư hàng năm là 192 tỷ USD.
290 hãng hàng không của Hiệp hội đã kêu gọi các chính phủ hỗ trợ đầu tư nhiên liệu hàng không bền vững như một cách để giảm phát thải cacbon cho ngành.
Được làm từ cây trồng, chất thải gia đình, mỡ động vật và sinh khối khác, nhiên liệu hàng không bền vững tạo ra khoảng 1/5 lượng khí thải so với nhiên liệu thông thường nhưng lại có chi phí cao gấp 3 lần.
Tuy nhiên, lượng nhiên liệu hàng không bền vững hiện có chỉ có thể đáp ứng được 1% nhu cầu của ngành công nghiệp toàn cầu.
“Ngành công nghiệp đã sử dụng từng giọt nhiên liệu hàng không bền vững sẵn có mặc dù mức chi phí cao đáng kể. Không cần phải thuyết phục ngành công nghiệp sử dụng nó mà phải xem xét và thúc đẩy việc tăng cường sản xuất,” ông Walsh nhấn mạnh.