Giám đốc Fortinet Việt Nam Nguyễn Gia Đức: Doanh nghiệp nên có tầm nhìn chiến lược về bảo mật

Ông Nguyễn Gia Đức - Giám đốc quốc gia đầu tiên của Fortinet tại thị trường Việt Nam cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp phải có chiến lược “nhìn xa trông rộng”, không chỉ bảo vệ hệ thống tại công ty như trước đây, mà cần phải bảo vệ cả các thiết bị kết nối từ xa để ứng phó với các nguy cơ trên mạng.
Ông Nguyễn Gia Đức - Giám đốc quốc gia của Fortinet tại thị trường Việt Nam
Ông Nguyễn Gia Đức - Giám đốc quốc gia của Fortinet tại thị trường Việt Nam

Xây dựng đội ngũ là ưu tiên hàng đầu

- Khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Fortinet tại thị trường Việt Nam, ông đã đề ra chiến lược phát triển Fortinet như thế nào tại thị trường này?

Xây dựng đội ngũ là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của tôi. Với một đội ngũ mạnh, đoàn kết, chúng tôi sẽ thực hiện được các mục tiêu mà công ty cũng như chính chúng tôi tự đưa ra.

Thứ hai, luôn bám sát chiến lược chung của công ty, tuỳ chỉnh theo đặc thù kinh doanh cũng như hiện trạng tại Việt Nam. Ví dụ, công ty có rất nhiều định hướng chiến lược, nhưng có những mảng giải pháp, công nghệ, chỉ ứng dụng được ở các nước tiên tiến hơn như Mỹ, Nhật, Singapore… trong khi hạ tầng công nghệ tại Việt Nam chưa sẵn sàng, thì chúng tôi cũng sẽ không tập trung đẩy các mảng công nghệ đó, mà sẽ tập trung vào các giải pháp phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam hơn.

Thứ ba, xây dựng hệ sinh thái lớn, mạnh. Mặc dù Fortinet là hãng bảo mật đầu tư đội ngũ nhân sự, có thể tự tin nói là lớn nhất tại Việt Nam, so với các hãng bảo mật khác. Nhưng chúng tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của các nhà phân phối, đối tác, cho đến các đối tác công nghệ, nên chúng tôi luôn có những chương trình để nâng cao quan hệ hợp tác với các bên, nhằm xây dựng một hệ sinh thái lớn mạnh, toàn diện nhất.

- Sau gần 5 năm được giao trọng trách dẫn dắt sự phát triển của Fortinet tại thị trường Việt Nam, hiện sự phát triển của Fortinet đã như kế hoạch, thưa ông?

May mắn là các kế hoạch đưa ra hàng năm chúng tôi đều đạt được và có những năm còn vượt kế hoạch.

Hiện Fortinet đang là hãng bảo mật có thị phần lớn nhất Việt Nam, gấp 2 so với hãng đứng thứ 2 và gần gấp 3 so với hãng đứng thứ 3 (theo báo cáo thị phần năm 2021 tại Việt Nam, đối với mảng Network Security của Frost & Sullivan).

Sự phát triển của Fortinet ở Việt Nam cũng không chỉ về mặt kết quả kinh doanh, mà còn cả về thương hiệu cũng được nâng cao lên. Hệ sinh thái với các đối tác, khách hàng ngày càng lớn mạnh hơn và những con người làm việc tại Fortinet, cũng nâng cao được năng lực bản thân lên.

- Ông có thể chia sẻ kế hoạch phát triển của Fortinet trong thời gian tới?

Fortinet toàn cầu nói chung và Fortinet tại Việt Nam nói riêng vẫn đang “tham vọng” rất cao về sự phát triển. Chúng tôi đang hướng đến việc đầu tư về con người, đội ngũ gấp 2 lần so với đội ngũ hiện tại vào năm 2023, để có thể thực hiện được hết các chiến lược về công nghệ và kinh doanh của công ty đưa ra, cũng như hỗ trợ được khách hàng, đối tác ở Việt Nam tốt hơn.

Tuy nhiên, không chỉ tập trung vào việc kinh doanh, chúng tôi cũng sẽ hướng nhiều đến hơn các hoạt động vì công đồng. Thành lập Học viện An ninh mạng Fortinet vào đầu năm 2022, mang đến chương trình phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ các bạn sinh viên là một trong các hoạt động đó, và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy các hoạt động cộng đồng trong thời gian tới.

-  Ông có thể nói rõ hơn về Học viện An ninh mạng Fortinet?

Học viện An ninh mạng Fortinet là chương trình mà Fortinet kết hợp với các trường đại học, để mang đến các khoá học về bảo mật tới các bạn sinh viên. Đây là chương trình hoàn toàn phi lợi nhuận của Fortinet.

Chương trình cung cấp tài liệu học tập, giảng dạy cũng như hệ thống lab, để cho các thầy cô và các bạn sinh viên, có thể học tập lý thuyết và thực hành trên các giải pháp bảo mật của Fortinet. Sau khi hoàn thành khoá học, Fortinet sẽ tặng các bạn sinh viên voucher thi chứng chỉ NSE (Network Security Expert) của Fortinet, giúp các bạn có hành trang tốt trước khi đi làm.

Doanh nghiệp cần có chiến lược bảo mật toàn diện 

- Là chuyên gia cấp cao về an ninh mạng, ông đánh giá như thế nào việc bảo mật tại các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua?

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn rất nhiều về vấn đề an ninh mạng, bảo vệ cho hệ thống, dữ liệu của doanh nghiệp của mình. Trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận thấy rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã ứng dụng và triển khai các giải pháp bảo mật mới nhất hiện nay, chứ không chỉ những giải pháp bảo mật truyền thống. Tuy nhiên, chưa có quá nhiều các doanh nghiệp làm được việc đấy, có thể là do thiếu kinh nghiệm về an toàn thông tin, cũng có thể là do biết rõ, nhưng hạn chế về mặt ngân sách.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp bảo mật, các doanh nghiệp cũng đang thúc đẩy rất nhiều các hoạt động về nâng cao nhận thức an toàn thông tin, kể cả đối với nhân viên non-IT, cũng như nâng cao chuyên môn cho các kĩ sư vận hành, thông qua các chương trình đào tạo, hay diễn tập phòng chống tấn công mạng.

- Ông đã từng phát biểu trong một sự kiện rằng, lãnh đạo doanh nghiệp phải có chiến lược “nhìn xa trông rộng” để ứng phó với các nguy cơ trên mạng. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Công nghệ thay đổi hàng ngày và liên tục, các vấn đề về bảo mật cũng như vậy. Các doanh nghiệp cần phải đưa ra một tầm nhìn chiến lược về vấn đề bảo mật cho doanh nghiệp của mình, một cách dài hạn và toàn diện, thay vì ứng dụng, triển khai các giải pháp bảo mật cho từng hệ thống đơn lẻ, phát sinh/triển khai mới. Việc này, có thể giúp các doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, việc vận hành quá nhiều các hệ thống khác nhau và đặc biệt là các hệ thống đó không có khả năng bắt tay, chia sẻ thông tin cho nhau, khiến cho người quản trị rất vất vả trong việc quản lý, cũng như phát hiện, ngăn chặn được các mối đe doạ ngày nay.

Ông Nguyễn Gia Đức - Giám đốc quốc gia của Fortinet tại thị trường Việt Nam: "Các doanh nghiệp cần phải đưa ra một tầm nhìn chiến lược về vấn đề bảo mật cho doanh nghiệp của mình"
Ông Nguyễn Gia Đức - Giám đốc quốc gia của Fortinet tại thị trường Việt Nam: "Các doanh nghiệp cần phải đưa ra một tầm nhìn chiến lược về vấn đề bảo mật cho doanh nghiệp của mình"

Xây dựng chiến lược dựa trên một nền tảng kiến trúc bảo mật, có khả năng tích hợp chặt chẽ nhiều giải pháp bảo mật khác nhau, giúp cho các doanh nghiệp có thể bao quát, bảo vệ được toàn bộ các điểm trên hệ thống của mình, cũng như sẵn sàng cho việc mở rộng các dịch vụ, ứng dụng mới mà vẫn an toàn trên không gian mạng.

- Làm sao để người dùng không dính mã độc, lộ lọt thông tin khi nhu cầu làm việc từ xa ngày càng tăng, thưa ông?

Các doanh nghiệp cần có chiến lược toàn diện, không chỉ bảo vệ hệ thống tại công ty như trước đây, mà cần phải bảo vệ cả các thiết bị kết nối từ xa khi xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại bất cứ nơi đâu ngày càng phát triển như hiện nay.

Và chính bản thân người dùng, cũng cần luôn nâng cao về nhận thức an toàn thông tin của mình, tránh sa vào bẫy của kẻ xấu, khiến cho bản thân cũng như doanh nghiệp của mình đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn to lớn khi bị tin tặc tấn công.

Lấy vợ thông minh cũng là sức ép

- Gia đình ông có ai đã từng theo con đường như ông đang chọn?

Gia đình tôi không có ai làm trong lĩnh vực CNTT, tôi là người duy nhất trong nhà theo con đường này. Đến khi lập gia đình, vợ tôi cũng là người là về CNTT, nhưng là làm về mảng phần mềm.

- Tại sao ông lại chọn lĩnh vực công nghệ để học vì thời đó công nghệ vẫn còn rất mới mẻ?

Thực ra ngành học ban đầu của tôi là nghành Kinh tế của trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian theo học thấy không phù hợp nên tôi chuyển hướng sang nghành khác. Khi đó, anh trai tôi đang học tại Trường ĐH Bách khoa, có tư vấn tôi đăng ký tham gia khoá học Cisco CCNA. Tại thời điểm đó, CCNA hay Networking, Security là những khái niệm rất mới mẻ, đi hầu hết các nơi bán tài liệu học về CNTT ở các khu như trường Bách khoa, trường Tự nhiên… đều có rất ít tài liệu. Tôi đăng ký đi học với khái niệm cũng mù mờ, chủ yếu là theo chỉ dẫn của anh trai.

- Trong gia đình, có phải anh trai là người ảnh hưởng đến ông nhiều nhất?

Đúng vậy. Từ khi còn nhỏ, tôi chịu ảnh hưởng từ anh trai nhiều nhất. Có lẽ là do cùng tầm tuổi, học cùng trường nhau từ mẫu giáo, cho đến hết cấp 3, nên chúng tôi rất thân thiết và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Cho đến khi bắt đầu đi làm, thì vợ tôi là người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất.

- Vợ ông đã ảnh hưởng đến ông như thế nào?

Vợ tôi rất thông minh. Điều đó tạo sức ép đối với tôi, khiến tôi phải luôn cố gắng hơn (cười). Tôi cũng học được nhiều điều từ vợ để có thể áp dụng vào công việc của mình.

- Thời đại công nghệ, cạnh tranh thương trường, cuộc sống hiện đại cũng khiến con người sống vội hơn, quan niệm của ông về giá trị sống?

Tôi cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình, nhiều khi bị cuốn theo công việc nhưng, gia đình, con cái mới là thứ tôi dành ưu tiên cao nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm