Theo một số ý kiến quốc tế, là quốc gia tiên phong trong cuộc đua phát triển vắc xin Covid-19 toàn cầu nhưng Nga vẫn chưa tiến hành các thử nghiệm quy mô lớn để thu thập đủ dữ liệu chứng minh loại vắc xin này có công dụng toàn diện và đảm bảo an toàn. Điều này được các nhà dịch tễ học và chuyên gia bệnh truyền nhiễm trên thế giới cho rằng “quá liều lĩnh”.
Ayfer Ali, chuyên gia nghiên cứu về thuốc của ĐH Kinh doanh Warwick (Anh) nhận xét: “Về cơ bản, Nga thực chất đang tiến hành một cuộc thử nghiệm quy mô lớn ở toàn dân.” Bà cho biết quyết định phê duyệt quá nhanh như vậy đồng nghĩa với việc chưa thể loại trừ hết mọi nguy cơ của tác dụng phụ tiềm ẩn. Tuy có thể hiếm xảy ra, nhưng lại vô cùng nguy hiểm.
TT Nga Vladimir Putin cho biết vắc xin do Viện Gamaleya của Moscow phát triển là an toàn và chính con gái ông cũng đã được tiêm. “Tôi biết rằng nó hoạt động khá hiệu quả, giúp hình thành khả năng miễn dịch mạnh mẽ và tôi xin nhắc lại, nó đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra cần thiết,” TT Putin phát biểu trên truyền hình nhà nước.
Francois Balloux, một chuyên gia tại Viện Di truyền học ĐH London gọi đây là “một quyết định liều lĩnh và dại dột” của Nga. “Việc tiêm chủng hàng loạt một loại vắc xin chưa được thử nghiệm toàn diện là phi đạp đức. Bất kỳ vấn đề gì xảy ra trong chiến dịch tiêm chủng của Nga sẽ là thảm hoạ và có tác động tiêu cực tới sức khoẻ.”
Các chuyên gia nhận xét, việc thiếu dữ liệu được công bố về vắc xin của Nga - bao gồm cách sản xuất và chi tiết về độ an toàn, phản ứng miễn dịch cũng như liệu có thể hoàn toàn ngăn ngừa Covid-19 hay không - khiến các nhà khoa học, cơ quan y tế và công chúng như đang “lần mò trong bóng tối”.
“Sẽ không thể biết liệu vắc xin của Nga có thực sự an toàn và hiệu quả hay không nếu học không công bố những tài liệu khoa học để cùng phân tích,” Keith Neal, chuyên gia về dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại ĐH Nottingham (Anh) chia sẻ ý kiến.
Nguồn: Reuters