Theo một báo cáo mới đây từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã có những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở khu vực châu Á trong năm nay. Tuy nhiên, những thách thức dài hạn vẫn còn hiện hữu trong bối cảnh đà tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.
“Những cơn gió ngược kinh tế mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt vào năm ngoái đã bắt đầu giảm bớt. Trong đó, điều kiện tài chính toàn cầu, giá lương thực và năng lượng giảm, cùng việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc đã thúc đẩy cho sự phục hồi hoạt động kinh tế nhanh hơn dự kiến”, các quan chức cấp cao tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF viết trong báo cáo.
Triển vọng của các nền kinh tế châu Á được kỳ vọng khả quan hơn trong năm nay với mức tăng trưởng dự kiến tăng lên 4,7% so với con số 3,8% của năm 2022. “Điều này giúp châu Á trở thành khu vực năng động nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới cho đến nay và là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu”, giám đốc Vụ Châu Á và Thái Bình Dương tại IMF Krishna Srinivasan, phó giám đốc Thomas Helbling và trưởng bộ phận Shanaka Jayanath Peiris nhấn mạnh.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển của khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% vào năm 2023. Các quốc gia này đang đạt được nhiều tiến bộ khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch giảm dần và lĩnh vực dịch vụ đẩy nhanh đà tăng trưởng kinh tế.
Bà Krishna Srinivasan cũng cho biết thêm: “Riêng Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ đóng góp hơn một nửa tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Phần còn lại của châu Á sẽ đóng góp thêm một phần tư. Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều đang quay trở lại mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch”.
Về khía cạnh lạm phát, IMF cho biết lạm phát ở châu Á, vốn đã tăng một cách đáng lo ngại so với dự báo của năm ngoái, sẽ duy trì ở mức vừa phải trong năm nay. Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy lạm phát chung đã qua thời điểm đạt đỉnh vào nửa cuối năm 2022.
“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ trở lại mức mục tiêu vào một thời điểm nào đó trong năm 2023 khi các khó khăn về tài chính và hàng hóa giảm bớt,” các quan chức IMF cho biết.
Trong khi lạm phát đang đi đúng hướng, thì IMF lưu ý rằng các ngân hàng trung ương vẫn cần phải cảnh giác khi lạm phát cơ bản vẫn trên mức mục tiêu. Những cú sốc nguồn cung lớn, căng thẳng địa chính trị có thể khiến việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, dù cho triển vọng ngắn hạn là khả quan nhưng vẫn còn những thách thức quan trọng về dài hạn. Trong đó, IMF đã hạ cấp triển vọng tăng trưởng trung hạn của Trung Quốc.
Nếu như sự tăng tốc tăng trưởng trong ngắn hạn dự kiến tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, thì sự chậm lại trong những năm tới sẽ ảnh hưởng đến triển vọng trên khắp các chuỗi cung ứng tích hợp cao của châu Á và toàn thế giới.
Không chỉ vậy, thâm hụt ngân sách trong thời kỳ đại dịch và lãi suất dài hạn cao hơn trong năm qua đã làm tăng thêm gánh nặng nợ công trong khu vực. IMF khuyến nghị, đối với các quốc gia châu Á đang phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương, cần phải có sự đánh đổi giữa việc kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định tài chính.